Mỹ - Trung chưa giải quyết được bất đồng trong thương mại

Chủ Nhật, 06/05/2018, 08:28
Ngày 4-5, phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu và phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đã kết thúc 2 ngày đàm phán tại Trung Quốc.

Hai bên cam kết giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại, song cũng thừa nhận vẫn còn những bất đồng tương đối lớn về một số nội dung.

Tại đối thoại, hai bên đã có các cuộc thảo luận thẳng thắn về việc tái cân bằng trong mối quan hệ kinh tế song phương. Hai phái đoàn thương mại Mỹ - Trung cũng đã trao đổi các quan điểm về việc mở rộng hoạt động của Mỹ sang Trung Quốc, nhất trí thành lập một cơ chế làm việc chung nhằm duy trì liên lạc chặt chẽ. Tuy nhiên, kết quả đưa ra sau hai ngày đối thoại khá chung chung, chưa có một giải pháp cụ thể nào. 

Phía Trung Quốc cho rằng, vẫn còn những bất đồng lớn về một số vấn đề và cần phải tiếp tục duy trì thảo luận. 

Mỹ-Trung vẫn còn bất đồng lớn trong đàm phán thương mại. Ảnh: (Getty Images)

Phát biểu sau đối thoại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tiếp tục có những chỉ trích đối với các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ: “Thế giới gần đây thường xuyên kêu gọi Mỹ cần tôn trọng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các quy tắc đa phương. Bản thân trong nội bộ nước Mỹ cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối về các biện pháp mà Mỹ thông qua. Điều này cho thấy chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại đang đi ngược lại luật thị trường và các quy tắc quốc tế”. 

Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, Washington không duy trì lập trường cứng rắn với Bắc Kinh vì cá nhân ông rất tôn trọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và rằng, ông luôn kiên trì với mục tiêu đem lại sự công bằng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung. 

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho rằng, sắp tới hai nước sẽ có những thỏa thuận thương mại “phi thường”.

Căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc đã leo thang trong thời gian qua, làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu, khi hai quốc gia này công bố các danh sách mặt hàng nhập khẩu của nhau phải chịu mức thuế cao hơn. 

Theo giới phân tích, tuy xung đột thương mại sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế Trung – Mỹ trong ngắn hạn, nhưng trong trung hạn và dài hạn thì có hại. 

Nếu Mỹ áp đặt thêm 25% trong gói thuế 50 tỉ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì trong ngắn hạn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời cũng sẽ tăng thêm chi phí nhập khẩu của Mỹ, làm gia tăng hơn nữa lạm phát. 

Từ trung và dài hạn cho thấy thương mại toàn cầu có tính thay thế, Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu sang các khu vực khác, và Mỹ cũng tăng cường nhập khẩu từ các khu vực khác.

Cuối cùng, tổng lượng xuất khẩu mà Trung Quốc chịu ảnh hưởng cũng hạn chế. Trong bối cảnh Mỹ phát động chiến tranh thương mại, thương mại Mỹ - Trung bị ảnh hưởng, do Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ có hành động đáp trả, nên nhập khẩu có thể xuất hiện hiện tượng cùng giảm xuống, xuất nhập khẩu có thể xuất hiện hiện tượng xuất siêu bị động.

Kết hợp với các nguyên tắc cơ bản và nhân tố chênh lệch lãi suất, có thể dự đoán Trung Quốc sẽ áp dụng một loạt các biện pháp đáp trả, bảo vệ các lợi ích liên quan, ổn định tỉ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ. 

Từ ngắn hạn cũng cho thấy việc thúc đẩy cuộc chiến thương mại sẽ làm cho mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro của thị trường giảm xuống. Nếu sự đối đầu giữa hai bên liên tục tăng thì còn làm tăng thêm rủi ro suy thoái kinh tế.

Nhưng từ dài hạn cho thấy việc Trung Quốc hi vọng vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thực hiện đổi mới để thúc đẩy tăng trưởng, vẫn đòi hỏi phải dựa vào sự nâng cấp công nghệ độc lập tự chủ, đây cũng là con đường phải đi qua.

Một khi cuộc chiến thương mại nổ ra, nhu cầu của toàn cầu đều sẽ bị ảnh hưởng, các trung tâm thương mại trung gian như Hong Kong (Trung Quốc) sẽ là mắt xích yếu kém nhất, trong khi bên xuất khẩu thứ ba có kết cấu ngành nghề xuất khẩu giống Trung Quốc, sự cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu có quan hệ thay thế nhau, sẽ là bên được lợi tiềm tàng. 

Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Cuộc chiến thương mại sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới các công ty đa quốc gia của Mỹ, các nhà máy của các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc. 

Cụ thể hơn, các nhà phân tích nói chung đều cho rằng, nếu cuộc chiến này xảy ra, ngành công nghệ cao của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, bởi điều này không có lợi cho cả Washington và Bắc Kinh, nên cần phải kiểm soát cường độ. 

Về phía Trung Quốc, các ngành và sản phẩm có quy mô tương đối rộng trong xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ bị trừng phạt. Trong đó, các mặt hàng có khả năng chịu tác động lớn nhất sẽ là công nghệ viễn thông, các sản phẩm cơ khí và điện, đồ dùng gia đình, đồ chơi, dệt may, kim loại cơ bản và các chế phẩm, sản phẩm công nghiệp nhẹ như ô dù, giày dép, nhựa, hóa chất, thiết bị y tế…

Là hai nền kinh tế lớn nhất nhì toàn cầu, rõ ràng cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng cần phải đảm bảo mối quan hệ kinh tế ổn định và vững chắc, mang lại lợi ích nhiều cho hai quốc gia.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.