Mỹ - Hàn "mạnh tay" điều 230 máy bay đến tập trận gần Triều Tiên

Thứ Bảy, 25/11/2017, 09:12
Yonhap ngày 25-11 đưa tin một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc mang tên Vigilant Age với sự tham gia của khoảng 12.000 binh sĩ hai nước sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 8-12.

Trong một thông cáo được đưa ra bởi lực lượng Không quân số 7 của Mỹ, cuộc tập trận không quân được thiết kể để tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời cải thiện hiệu quả tác chiến của quân đội hai bên.

Yonhap cũng cho biết thêm, binh sĩ thuộc các lực lượng lính thủy đánh bộ, không quân, hải quân Mỹ, không quân Hàn Quốc với số lượng lên tới 12.000 người cùng 230 máy bay từ 8 căn cứ quân sự của Mỹ - Hàn sẽ tham gia cuộc tập trận.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor. Ảnh: Reuters

Vigilant Ace là cuộc tập trận được tổ chức thường xuyên giữa Mỹ và Hàn Quốc nhằm mổ phỏng các biện pháp phòng thủ thời chiến, Reuters cho biết.

Một quan chức Không lực Mỹ cũng tiết lộ Mỹ sẽ triển khai 6 máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor cùng khoảng 3 đến 4 tiêm kích đa năng F-35A đến tham gia cuộc tập trận chung. Đây sẽ là lần đầu tiên có tới 6 máy bay F-22 Raptor cùng được điều đến Hàn Quốc.

Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận năm 2016. Ảnh: AP.

Cuộc tập trận chung diễn ra trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên vẫn đang tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa bất chấp lệnh trừng phạt của quốc tế. Bình Nhưỡng phản đối mạnh mẽ các cuộc tập trận chung giữa Seoul và Washington mà nước này cho rằng được diễn ra nhằm đe dọa chống lại họ.

Gần đây, Mỹ và Hàn Quốc đã thống nhất tăng cường triển khai luân phiên các loại vũ khí chiến lược của Mỹ tới Hàn Quốc để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Đầu tháng 11 vừa qua, 3 nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ cũng đã tiến hành tập trận hải quân chung với Hàn Quốc trên biển Nhật Bản nhằm phô diễn sức mạnh trước Bình Nhưỡng.

Phản ứng trước cuộc tập trận chung, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi kiềm chế và nhắc lại lập trường của mình rằng vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cần được giải quyết thông qua đối thoại. 

Lam Ninh (Theo Yonhap/Reuters)
.
.
.