Một loạt nguyên thủ quốc gia "xung phong” tiêm vaccine COVID-19

Thứ Ba, 18/08/2020, 09:00
Nguyên thủ một số quốc gia châu Á, Âu, Mỹ Latinh, thậm chí Bắc Mỹ đã lên tiếng đề nghị được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Nga ngay khi nó chứng minh được hiệu quả, bất chấp những đồ đoán của phương Tây về loại vaccine này.


Tổng thống Mexico Lopez Obrador. Ảnh: AP

Reuters ngày 17/8 cho hay Tổng thống Mexico Lopez Obrador là nguyên thủ quốc gia mới nhất lên tiếng thông báo ông muốn được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Nga khi nó chứng minh được hiệu quả. “Tôi sẽ là người đầu tiên tiêm”, Tổng thống Lopez Obrador phát biểu tại cuộc họp báo thường niên.

Mexico, quốc gia láng giềng gần cận của Mỹ, hiện ghi nhận hơn nửa triệu ca COVID-19, trong đó hơn 57.000 người đã thiệt mạng. Thứ trưởng Ngoại giao Mexico Martha Delgado trước đó cho biết họ cần trên dưới 200 triệu liều vaccine.

Phát biểu của ông Lopez Obrador được đưa ra gần một tuần từ thời điểm Nga thông báo trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho một mẫu vaccine ngừa COVID-19, mẫu Sputnik V.

Nga khẳng định vaccine Spunik V an toàn, hiệu quả cao, đã được kiểm nghiệm kĩ lưỡng, song giới truyền thông và chuyên gia phương Tây liên tiếp lên tiếng bày tỏ lo ngại về mẫu vaccine.

Trước đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 16/8 cũng lên tiếng khẳng định ông muốn được tiêm vaccine Nga. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thì phát biểu rằng ông hi vọng được tiêm vaccine COVID-19 do Nga sản xuất ngay khi nó được gửi tới quốc gia Đông Nam Á.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, khi được hỏi về việc Nga đã đăng ký vaccine COVID-19, đã nói: "Tôi muốn trở thành người đầu tiên dùng vaccine sau khi các chuyên gia Serbia đánh giá". "Điều quan trọng là vaccine xuất hiện càng sớm càng tốt vì nó sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế của Serbia", ông Vucic nêu.

Dù được đăng kí chính thức, song Sputnik V của Nga vẫn chưa hoàn tất toàn bộ quá trình thử nghiệm và nó cũng chưa đi vào sản xuất hàng loạt ngay mà phải chờ đến tháng 9, trong khi việc tiêm chủng sẽ diễn ra giai đoạn đầu với các nhân viên y tế Nga, còn dân chúng sẽ được tiếp cận từ năm 2021.

Đại diện Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) tài trợ cho hoạt động thử nghiệm cho biết ít nhất 20 quốc gia đã đặt mua một tỷ liều vaccine của Nga. RDIF tiết lộ, giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 với sự tham dự của hàng ngàn người đang được tiến hành ở một số quốc gia ở Trung Đông, châu Mỹ Latinh và châu Á.

Thiện Nhân
.
.
.