Moscow không muốn có “bất cứ hành động quân sự nào” ở Idlib, Syria

Thứ Sáu, 05/10/2018, 08:35
Phát biểu ngày 3-10 (giờ địa phương) tại Diễn đàn Tuần lễ Năng lượng ở Thủ đô Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, các lực lượng nước ngoài cần phải rút khỏi Syria, bao gồm cả quân đội Nga. 

Trước đó, người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định Moscow không muốn có bất cứ hành động quân sự nào ở Idlib, Syria trong tương lai gần, đồng thời nhấn mạnh rằng, hòa bình – chứ không phải chiến tranh, là mục tiêu tối thượng.

Khi nhắm đến thỏa thuận giảm leo thang căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib, Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ: “Tôi có lý do để tin rằng Nga sẽ đạt được các mục tiêu của mình. Và điều đó có nghĩa rằng không có bất kỳ cuộc tấn công quân sự quy mô lớn nào diễn ra tại Syria. Động thái quân sự là không cần thiết”.

Ông cho biết Moscow và Ankara đang nỗ lực để hiện thực hóa thỏa thuận này, vốn đã ngăn chặn sự đổ máu tại Idlib, và cả hai bên sẽ cố gắng hơn nữa với sự ủng hộ từ Iran.

Khung cảnh hoang tàn vì chiến tranh tại thành phố Idlib, Syria. Ảnh: Los Angeles Times.

Trước đó, trong cuộc họp tại Sochi, Nga, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Reecep Tayyip Erdogan đã đồng ý thiết lập một khu phi quân sự tại Idlib, dọc theo tuyến đối đầu giữa quân đội chính phủ Syria và phe đối lập.

Sau ngày 15-10, khu vực này sẽ được kiểm soát bởi lực lượng tuần tra của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng hai nước cũng ký kết biên bản ghi nhớ về bình ổn tình hình tại khu vực giảm căng thẳng ở Idlib. Trong khi đó, Iran nhấn mạnh rằng, thỏa thuận giữa Moscow và Ankara có thể ngăn ngừa chiến tranh tại Idlib.

Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Putin Vladimir chỉ trích việc Mỹ can thiệp quân sự vào Syria, rằng sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại Syria là hành động vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ).

Theo nhà lãnh đạo Nga, Mỹ chỉ có 2 lựa chọn cho tình hình hiện nay ở Syria: thứ nhất Mỹ nhận được sự đồng ý của chính quyền Syria và thứ hai, Mỹ nhận được sự ủy quyền từ LHQ cho phép Washington duy trì lực lượng quân sự tại Syria.

Những tuyên bố của người đứng đầu Điện Kremlin đưa ra trong bối cảnh có những nghi ngờ trong dư luận Mỹ rằng nước này sẽ không rút quân khỏi Syria. 

Giới chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, Washington sẽ chưa rút quân cho đến khi cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại hoàn toàn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cảnh báo việc rút quân quá nhanh có thể là “một sai lầm chiến lược”.

Ông nhấn mạnh: “Việc giải thoát cho Syria khỏi sự chiếm đóng của IS không có nghĩa là chúng ta nói đồng ý một cách mù quáng, tránh né nó và rũ bỏ nó để rồi lại tự hỏi tại sao IS tự xưng lại tái sinh. Đây không phải là một cuộc chiến tranh thông thường, nơi mà bạn có thể giương cao ngọn cờ ở thủ đô của kẻ thù và họ ký kết hiệp ước hòa bình. Đó không phải là bản chất của kẻ thù”.

Trong khi đó, đại diện đặc biệt của Mỹ tại Syria mới đây còn nói rằng, người Mỹ “không vội vàng” rút khỏi quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này.

Hôm 24-9 vừa qua, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ không rút quân khỏi Syria chừng nào quân đội Iran vẫn còn hiện diện trên lãnh thổ Syria. Lực lượng này bao gồm cả đội quân ủy nhiệm và các du kích Syria”.

Theo giới chuyên gia, chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện nay là duy trì sự hiện diện tại Syria chừng nào quân đội Iran vẫn còn ở đó. Và dường như Iran vẫn chưa có ý định rút lui. Điều này cũng có thể khiến căng thẳng leo thang hoặc xảy ra những đụng độ bất ngờ với quân đội Nga.

Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại. Cũng có những tín hiệu cho thấy khả năng Mỹ rút quân khỏi Syria. Thứ nhất, nhóm Dzhebhat en Nusra, được Mỹ nuôi dưỡng, hỗ trợ đã giải thể. Khi một lực lượng lớn, mạnh nhất chiếm đến 60% Idlib chịu thực hiện khu phi quân sự… thì có nghĩa là họ không trông đợi gì người Mỹ, họ phải tìm đường sống, tồn tại cho mình… xin chia tay với người Mỹ. 

Thứ hai, Quân đội Syria, các chiến binh, những người được hỗ trợ bởi Washington từ nhóm Magawir Al-Taura, đã bắt đầu đàm phán với quân đội Syria để đầu hàng khu vực Al-Tanf, nơi có căn cứ cùng tên của Mỹ.

Theo các nhà bình luận, các chiến binh Mỹ sẵn sàng rời khỏi khu vực và chuyển khu vực dưới sự kiểm soát của Damascus, không có báo cáo chính thức nào được đưa ra, nhưng đây là một tín hiệu mạnh mẽ, bởi vì những phiến quân trung thành nhất của họ đang bắt đầu hướng về Tổng thống Syria.

Về phía Syria, hôm 3-10, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết, đất nước ông đã bị vướng vào một cuộc chiến truyền thông nghiêm trọng, làm méo mó hình ảnh của Trung Đông và Syria.

Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, Syria sẽ tái hòa nhập trở lại với chính trường Arab và quay trở lại “vai trò Arab” của mình. Ông cho biết, giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột tại Syria sẽ tập trung vào các nỗ lực tái thiết quốc gia bị tàn phá với sự giúp đỡ của các nước trong khu vực.

Tổng thống Assad cũng khẳng định, ngay khi cuộc xung đột kết thúc, Syria sẽ mở lại các “cánh cửa” với người dân trong khu vực nhằm thúc đẩy du lịch. 

Liên quan tới vấn đề này, phát biểu sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Austria Sebastian Kurz diễn ra cùng ngày tại St. Petersburg (Nga), Tổng thống Vladimir Putin mạnh mẽ kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và cộng đồng quốc tế giúp đỡ các nỗ lực tái thiết Syria và khẳng định rằng, việc này sẽ khuyến khích người tị nạn Syria hồi hương.

Trước đó, phát biểu tại Đại hội đồng LHQ hôm 29-9, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem yêu cầu các lực lượng nước ngoài rời khỏi đất nước này ngay lập tức hoặc sẽ đối diện với biện pháp đối phó “phù hợp”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.