Mở cửa trở lại quá sớm, nhiều bang ở Mỹ đang phải trả giá đắt

Thứ Bảy, 13/06/2020, 10:42
Sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới ở các bang miền Nam và Trung Tây của Mỹ không phải là làn sóng dịch bệnh thứ hai mà là sự quay trở lại của làn sóng đầu tiên, theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ.
Một số bang ở Mỹ mở cửa lại quá sớm khiến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trở lại. 

Tiến sĩ Krutika Kuppalli, Phó Chủ tịch Ủy ban sức khỏe toàn cầu của Hiệp hội bệnh Truyền nhiễm Mỹ, cho biết, tại một só bang như Texas, Bắc và Nam Carolina, California, Mississippi hay Arizona, các ca nhiễm COVID-19 mới đã gia tăng sau ngày Tưởng niệm hồi cuối tuần trước. Tại Texas đã chứng kiến mức tăng đến 36% kể từ ngày 25/5, trong khi Arizona cũng chứng kiến số ca tăng kỷ lục trong những ngày qua. Thực tế, bang Arizona đã ghi nhận mức tăng đến 50% sau ngày Tưởng niệm.

“Đây là sự trở lại của làn sóng đầu tiên chứ không phải làn sóng thứ hai mà mọi người đang nói đến. Để thực sự thấy được làn sóng thứ hai, trước tiên chúng ta phải trải qua sự giảm đáng kể trong số các ca nhiễm sau khi các lệnh kiểm soát được dỡ bỏ”, Kuppalli cho biết.

Làn sóng lây nhiễm thứ hai được hiểu là sự gia tăng số ca nhiễm diễn ra sau một đợt giảm đáng kể các ca nhiễm sau khi các biện pháp nghiêm ngặt kiểm dịch được dỡ bỏ để mở cửa trở lại. “Đây thực sự là bằng chứng của sự hồi sinh của làn sóng lây nhiễm đầu tiên mà chúng tôi quan ngại có thể xảy ra nếu chúng ta mở lại các doanh nghiệp hoặc mở cửa lại xã hội quá nhanh”, theo chuyên gia Kuppalli.

Bất chấp nguy cơ đối mặt với nhiều ca lây nhiễm hơn, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khuyến khích các bang mở cửa trở lại trong khi bác bỏ các dự đoán về sự hồi sinh của dịch COVID-19. Tuy nhiên, đúng như dự báo, các tiểu bang nới lỏng giãn cách xã hội để mở cửa trở lại đang chứng kiến số ca mới tăng kỷ lục.

Chuyên gia Kuppalli bày tỏ hy vọng rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ có thể đương đầu với làn sóng lây nhiễm thứ hai, tuy nhiên, cũng cảnh báo rằng việc thiếu các thiết bị bảo hộ cá nhân có thể gây ảnh hưởng ít nhiều.

Tính đến nay, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 với hơn 2,04 triệu ca nhiễm và hơn 114.000 ca tử vong, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Dù các biện pháp giãn cách xã hội được cho là có hiệu quả trong giảm lây lan dịch bệnh, các chuyên gia cho rằng thế giới chỉ có thể trở lại bình thường nếu có vaccine cho COVID-19.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có ít nhất 136 loại vaccine COVID-19 đang được nghiên cứu và phát triển trên toàn thế giới. Ít nhất 10 trong số các loại này đang được thử nghiệm lâm sàng.

Kiều Yến
.
.
.