Lo sợ dịch bùng nổ sau tháng lễ, Indonesia cấm người dân di cư

Thứ Ba, 21/04/2020, 16:36
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 21/4 ban hành lệnh cấm các cuộc di cư truyền thống quy mô lớn diễn ra hàng năm tại nước này khi tháng lễ ăn chay Ramadan kết thúc trong tháng 5 tới, nhằm ngăn chặn sự lan rộng của COVID-19.

Indonesia hiện đang là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất Đông Á sau Trung Quốc với 590 trường hợp tử vong, buộc chính phủ nước này phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát dịch bệnh.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, việc cho phép hàng triệu người Hồi giáo tại Indonesia hồi hương về quê nhà theo tập quán sau khi tháng lễ Ramadan kết thúc, thường được gọi là "mudik", có thể đẩy nhanh sự lây lan của COVID-19.

Xét nghiệm nhanh COVID-19 được thực hiện trên đường phố Indonesia. Ảnh: TG

"Tôi đã đưa ra quyết định về việc cấm mudik", ông Widodo tuyên bố trong một cuộc họp nội các diễn ra ngày 21/4, đồng thời yêu cầu khẩn trương chuẩn bị mọi phương án có liên quan tới lệnh cấm này.

Quyết định của ông Widodo được thực hiện dựa trên một cuộc khảo sát của Bộ Giao thông Vận tại Indonesia rằng khoảng 24% người dân trong tổng số 260 triệu cư dân nước này khẳng định sẽ tham gia cuộc di cư truyền thống sau tháng Ramadan.

Trong dịp lễ Ramadan năm ngoái, khoảng 19.5 triệu người Indonesia đã thực hiện hành trình này. Trong khi đó, theo ông Widodo, có khoảng 7% dân số Indonesia đã lên đường di cư trong năm nay.

Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới hiện đã ghi nhận 6.760 ca nhiễm COVID-19, trở thành quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 2 Đông Nam Á sau Singapore, mặc dù số ca nhiễm thực tế được cho là cao hơn nhiều so với báo cáo.

Trong một nghiên cứu được đưa ra tuần trước, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Indonesia cảnh báo rằng nếu việc di cư được cho phép, ca nhiễm bệnh tại Indonesia có thể lên tới một triệu người vào tháng 7 tới tại Java, hòn đảo đông dân nhất Indonesia.

Trong khi đó, nếu các cuộc di cư được cấm triệt để, con số lây nhiễm có thể bị cắt giảm xuống tới 1/3. Hiện, Indonesia vẫn không áp dụng phong tỏa toàn quốc, thay vào đó triển khai các giải pháp như đóng cửa trường học, doanh nghiệp và phong tỏa một số khu vực có đông người. 

Lam Ninh
.
.
.