Lệnh ngừng bắn thứ hai giữa Armenia-Azerbaijan đổ vỡ, Su-25 lại bị bắn rơi

Thứ Hai, 19/10/2020, 08:43
Lệnh ngừng bắn thứ hai giữa Armenia và Azerbaijan xung quanh khu vực tranh cãi Nagorno-Karabakh không được tuân thủ khi cả hai liên tiếp cáo buộc đối phương vi phạm.

Dưới sự dẫn dắt của Nga, Armenia và Azerbaijan ngày 17/10 một lần nữa thống nhất sẽ thực thi thỏa thuận ngừng bắn lần hai từ 0h00 ngày 18/10 (giờ địa phương) tại Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, hai bên sau đó đều cáo buộc đối phương vi phạm lệnh này, theo AlJazeera.

Khói bốc lên từ một địa điểm bị không kích ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: France24

Hôm 18/10, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết các lực lượng Azerbaijan đã tấn công các mục tiêu của phía họ chỉ vài phút sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Vũ khí được Azerbaijan sử dụng là pháo và rocket.

Armenia khẳng định đòn tập kích của Azerbaijan đã gây thiệt hại. Lực lượng thân Armenia ở Nagorno-Karabakh nói rằng ít nhất 37 binh sĩ đã thiệt mạng trong đợt tấn công của Azerbaijan, nâng tổng số binh sĩ chết từ ngày 27/9 lên 710, theo Interfax.

Ở chiều ngược lại,Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết các lực lượng Armenia đã "vi phạm nghiêm trọng một thỏa thuận mới", cáo buộc phía Armenia bắn pháo và đạn cối theo nhiều hướng khác nhau và tiến hành các cuộc tấn công vào sáng sớm dọc theo chiến tuyến.

Azerbaijan cũng tuyên bố đã bắn hạ một máy bay chiến đấu Su-25 khác của Armenia khi nó đang cố gắng không kích vào các vị trí của Azerbaijan trong khu vực. Đây là chiếc Su-25 thứ hai của Armenia rơi vì trúng đạn Azerbaijan trong hai tuần qua.

Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã một lần nữa bày tỏ sự ủng hộ với đồng minh Azerbaijan bằng cách cáo buộc Mỹ, Pháp và Nga đã cung cấp vũ khí cho Armenia. Phát ngôn của Erdogan chưa được ba nước dẫn đầu nhóm hoà giải Minsk-OSCE bình luận.

Chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan nổ ra từ 27/9. Đến nay, theo tuyên bố độc lập của cả hai phía, hơn 40 dân thường và trên 3.600 binh sĩ đã thiệt mạng. Nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ chiến sự ngày càng leo thang ra xa khỏi khu vực Nagorno-Karabakh có thể kéo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột.

Thiện Nhân
.
.
.