Lãnh đạo thế giới hoan nghênh Mỹ quay lại thỏa thuận Paris

Thứ Sáu, 19/02/2021, 16:58
Mỹ ngày 19/2 đã chính thức trở lại với thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, 107 ngày sau khi cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một hội thảo về biến đổi khí hậu năm 2020. Ảnh minh họa AP. 

Mặc dù sự trở lại này mang nhiều tính biểu tượng, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới nhận định rằng họ mong đợi Mỹ sẽ chứng tỏ sự nghiêm túc của mình sau 4 năm vắng bóng khá nhiều trong các thỏa thuận, tổ chức quốc tế. Họ đặc biệt mong đợi một thông báo từ Mỹ trong những tháng tới về mục tiêu cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Mỹ chính thức quay trở lại thỏa thuận Paris ngày 19/2, gần một tháng sau khi Tổng thống Joe Biden phát biểu trước Liên Hợp Quốc (LHQ) bày tỏ về ý định này.

Ông Biden đã ký một sắc lệnh vào ngày đầu tiên nhậm chức, đảo ngược việc rút khỏi thỏa thuận của người tiền nhiệm, Tổng thống Donald Trump. Chính quyền Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Paris vào năm 2019, tuy nhiên, phải đến ngày 4/11/2020 mới có hiệu lực, tức một ngày sau cuộc bầu cử.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hôm 18/2 cho biết việc tái gia nhập chính thức của Mỹ “rất quan trọng”, đồng thời đánh giá cao tuyên bố của ông Biden rằng Mỹ sẽ tái cung cấp viện trợ ứng phó biến đổi khí hậu cho các quốc gia nghèo hơn, như đã hứa vào năm 2009.

Ông Guterres bày tỏ hy vọng động thái của Mỹ “sẽ góp phần giảm lượng khí thải và sẽ là tấm gương cho các nước khác noi theo”. Đã có hơn 120 quốc gia, bao gồm cả nước phát thải số 1 - Trung Quốc, hứa sẽ không phát thải carbon ròng vào khoảng giữa thế kỷ này.

Christiana Figueres, cựu quan chức về khí hậu của LHQ cho biết đây là một “thông điệp chính trị”. Bà Figueres cũng cho biết, trong 4 năm chính quyền Trump không có động thái về ứng phó biến đổi khí hậu, các thành phố, tiểu bang và doanh nghiệp của Mỹ vẫn nỗ lực giảm lượng khí carbon dioxide gây hiệu ứng nhà kính.

Giám đốc Chương trình Môi trường LHQ Inger Andersen cho biết Mỹ cần chứng minh vai trò lãnh đạo của mình đối với thế giới trong lĩnh vực này, đồng thời bày tỏ không nghi ngờ gì về nếu Mỹ đệ trình các mục tiêu cắt giảm khí thải cần thiết. Chính quyền Biden hứa sẽ công bố các mục tiêu này trước hội nghị thượng đỉnh Ngày Trái đất vào tháng 4 này.

Thỏa thuận chung Paris là một thỏa thuận tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của LHQ 2015 trong khuôn khổ của Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) liên quan đến các biện pháp giảm carbon dioxide từ năm 2020.

Thỏa thuận đặt ra mục tiêu đạt mức phát thải lớn nhất càng sớm càng tốt và hạ thấp mức phát thải vào nửa sau của thế kỷ này. Giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C, đồng thời, đánh giá quá trình thực hiện 5 năm một lần. Một mục tiêu khác là đến năm 2020, cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển và cam kết tiếp tục hỗ trợ trong tương lai.

Duy Tiến (Theo AP)
.
.
.