Lãnh đạo Pháp-Italia đạt được đồng thuận về vấn đề nhập cư

Thứ Bảy, 16/06/2018, 10:31
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 16-6 đã kêu gọi Thủ tướng Italia Giuseppe Conte cùng hợp tác với lãnh đạo Pháp, Đức và Tây Ban Nha trong giải quyết vấn đề nhập cư. 
Tổng thống Pháp và Thủ tướng Italia bắt tay sau một tuần tranh cãi. Ảnh Reuters 

Hai nhà lãnh đạo cùng mỉm cười, bắt tay và gọi nhau là "bằng hữu" sau khi giải quyết xong cuộc cãi vã ngoại giao nổ ra khi Italia từ chối nhận một tàu cứu hộ nhập cư.

"Tôi hy vọng sâu sắc rằng Pháp và Italia sẽ cùng nhau hợp tác, đề xuất và đóng góp cho các giải pháp của châu Âu, đặc biệt với các đối tác như Tây Ban Nha và Đức," ông Macron nói trong một cuộc họp báo với ông Conte tại Điện Elysee.

Tranh cãi giữa Paris và Rome về số phận của con tàu Aquarius, tàu cứu trợ chở trên khoang hơn 600 người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đã thu hút sự chú ý của Giáo hoàng Francis, gây chia rẽ trong quan điểm trên khắp châu Âu cũng như ảnh hưởng đến chính trị tại Đức, theo Reuters.

Hôm 13-4, Italia đã triệu tập đại sứ Pháp và yêu cầu một lời xin lỗi từ ông Macron, người đã nói việc Rome chặn con tàu chở người di cứ là một hành động “đầy hoài nghi và vô trách nhiệm”. Sau khi Italia yêu cầu một lời xin lỗi, ông Macron nói rằng ông không có ý xúc phạm “Italia và người dân nước này”.

Cũng trong cuộc họp báo tại Điện Elysee, hai nhà lãnh đạo đã khéo léo tránh những câu hỏi có liên quan đến những tranh cãi trong tuần vừa qua và cùng cố gắng trình bày trên một quan điểm chung.

"Những ngày vừa qua có thể hơi hỗn loạn, nhưng bây giờ chúng tôi đều đã đạt được sự đồng thuận," Thủ tướng Italia Conte cho biết. Chỉ mới hai ngày trước ông này còn mô tả lập trường của Pháp về nhập cư là “đạo đức giả”.

Ông Conte cũng cho biết cần phải thành lập các văn phòng nhập cư châu Âu bên ngoài lãnh thổ châu Âu để xử lý các yêu cầu xin tị nạn nhằm ngăn chặn “các chuyến đi chết chóc”.

Hơn 3.000 người di cư đã chết trên đường cố gắng vượt qua Địa Trung Hải vào năm 2017, cũng là năm thứ tư liên tiếp mà số người chết đứng vững ở con số này, theo Cơ quan Di trú của LHQ (IOM).

Hầu hết người di cư cố gắng tiếp cận châu Âu đến từ châu Phi, đi theo tuyến đường biển từ Libya đến Italia, tuy vậy, trong năm ngoái có một sự tăng đột biến về số lượng người di cư đi theo đường từ Morocco đến Tây Ban Nha.

Duy Tiến
.
.
.