LHQ đồng ý lời đề nghị của Việt Nam về thượng đỉnh Mỹ - Triều
Một ủy ban của Hội đòng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã đồng ý một đề xuất từ phía Việt Nam, cho phép một phái đoàn của Triều Tiên đến Hà Nội vào tuần tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai.
- Thủ tướng kiểm tra công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều
- Sân bay Nội Bài thắt chặt an ninh dịp thượng đỉnh Mỹ - Triều
- Lãnh đạo Hàn Quốc "hiến kế" cho Tổng thống Trump trước thềm thượng đỉnh Mỹ-Triều
- Những lợi thế để Việt Nam được chọn đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều
- Triều Tiên bày tỏ kỳ vọng trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2
Cái bắt tay lịch sử của lãnh đạo Mỹ-Triều tại Singapore năm 2018. Ảnh Reuters. |
HĐBA hồi năm 2006 đã nhất trí tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên trong nỗ lực bóp nghẹt các nguồn tài trợ cho chương trình hạt nhân tên lửa của Bình Nhưỡng, cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng như than, sắt, chì, dệt may và hải sản, đồng thời hạn chế nhập khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ đã qua tinh chế.
Theo lệnh trừng phạt này, 12 cá nhân triều Tiên đã phải chịu lệnh cấm di chuyển trên toàn cầu và đóng băng tài sản. Mặc dù không rõ liệu trong số 12 người này có ai đến Việt Nam hay không, nhưng ủy ban của HĐBA LHQ phụ trách lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên đã phê chuẩn yêu cầu của Việt Nam tạm miễn trừng phạt, theo Reuters.
Việc chấp thuận này cho phép sự tham gia của đoàn Triều Tiên vào hai ngày 27 và 28-2 tới cũng như công tác chuẩn bị của Việt Nam.
Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu được tổ chức tại Singapore tháng 6-2018, nhưng chỉ đem lại một kết quả là những cam kết khá mơ hồ về việc phi hạt nhân hóa.
Theo Reuters, một báo cáo được trình HĐBA bởi một nhóm quan sát viên cho thấy các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên vẫn còn nguyên và nước này đang làm nhiều việc để đảm bảo những khu hạt nhân tên lửa đó không thể bị phá hủy bởi bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào.
Washington đã yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân tên lửa có khả năng đe dọa đến đất liền của Mỹ, trong khi đó Triều Tiên vẫn tìm cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, chấm dứt chính thức cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 và đảm bảo an ninh.
Kể từ hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, Nga và Trung Quốc đã đề nghị HĐBA thảo luận nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên như một phương cách nhằm khuyến khích quá trình phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, Mỹ và nhiều cường quốc khác cho biết các lệnh trừng phạt phải được áp dụng cho đến khi quá trình phi hạt nhân hóa được diễn ra hoàn toàn.Nga cũng đã tố những lệnh trừng phạt từ phía LHQ đã dẫn đến “những vấn đề nhân đạo nghiêm trọng” tại Triều Tiên.