“Khẩu chiến” giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên
- Mỹ cấm công dân mình đến Triều Tiên từ ngày 1-9
- Mỹ sẽ trừng phạt CHDCND Triều Tiên bằng biện pháp cứng rắn nhất trong lịch sử
- Nhật – Mỹ "khích lệ" Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên
Trước đó, “đấu khẩu” giữa hai nước đã diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, bất cứ mối đe dọa của Bình Nhưỡng nào đối với Washington sẽ phải đối mặt với “lửa thịnh nộ”.
Theo ghi nhận của hãng Reuters, sự gia tăng mạnh mẽ căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên đã làm rung chuyển các thị trường tài chính trên thế giới. Những con số xuất hiện trên sàn chứng khoán New York, London đã cho thấy giới kinh doanh, đầu tư cũng rất lo ngại trước sự đối đầu giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Hãng thông tấn trung ương của CHDCND Triều Tiên KCNA ngày 9-8 còn dẫn tuyên bố của người phát ngôn quân đội CHDCND Triều Tiên cho hay, kế hoạch tấn công sẽ được triển khai vào bất cứ lúc nào, phụ thuộc vào quyết định của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
“Lực lượng chiến lược của quân đội CHDCND Triều Tiên đang kiểm tra kỹ lưỡng kế hoạch hành động để khiến đảo Guam và khu vực lân cận trở thành biển lửa với tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung và tầm xa Hwasong-12”, người phát ngôn này nói. Cũng theo phát ngôn viên quân đội CHDCND Triều Tiên, biện pháp này nhằm kiềm chế các căn cứ quân sự lớn của Mỹ trên đảo Guam, trong đó có cả căn cứ không quân Anderson- nơi đóng quân của các máy bay ném bom chiến lược Mỹ.
CHDCND Triều Tiên luôn thể hiện sức mạnh tên lửa của mình trong các đợt diễu binh lớn. Ảnh: Maxim |
Một số nhà phân tích nhận định, Guam là địa điểm lý tưởng cho CHDCND Triều Tiên “chĩa mùi dùi tấn công” vì nơi đây chỉ cách Tokyo (Nhật Bản) 3 giờ bay; cách Seoul (Hàn Quốc) 4 giờ bay. Đây lại không chỉ là nơi đồn trú của các căn cứ quân sự lớn của Mỹ mà còn là nơi Washington triển khai một hệ thống phòng không tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và đang duy trì số quân lớn nhằm cân bằng lực lượng ở khu vực Thái Bình Dương.
Hãng AP thì dẫn một nguồn tin khác cho biết, tuyên bố mà Bình Nhưỡng đưa ra là nhằm đáp trả lại lời nói của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước các phóng viên tại New Jersey (Mỹ) rằng bất kỳ mối đe dọa nào từ phía CHDCND Triều Tiên đối với Mỹ sẽ bị đáp trả bằng “lửa thịnh nộ”. Ông Donald Trump nói: “Tốt nhất là CHDCND Triều Tiên đừng đưa ra bất kỳ lời đe dọa nào với Mỹ nữa nếu không muốn hứng chịu bão lửa và sự giận dữ mà thế giới chưa từng chứng kiến từ trước đến nay từ Mỹ”.
Để giải thích rõ hơn ý của Tổng thống, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ McMaster còn khẳng định, Mỹ “sẽ không dung thứ việc CHDCND Triều Tiên dám lên tiếng đe dọa Mỹ”. Ông McMaster tiết lộ rằng, Washington đã chuẩn bị mọi phương án quân sự để đối phó với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: Infonet |
Một động thái nữa của Mỹ cũng gây nhiều tranh cãi là chính phủ đã ra lệnh cấm công dân đến CHDCND Triều Tiên từ 1-9 với lý do là bảo vệ công dân Mỹ khỏi “những mối đe dọa về việc bị bắt giữ và giam cầm trong thời gian dài tại CHDCND Triều Tiên”.
Trong một diễn biến khác, các quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á đã có những phản ứng khác nhau xung quanh vấn đề này. Cụ thể, Nhật Bản, ngoài việc tham gia cuộc tập trận trên không ở khu vực đảo Kyushu với Mỹ, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng cho biết, nước này ủng hộ lập trường Washington về mối đe dọa tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Theo ông Yoshihide Suga, điều mà Tokyo quan tâm nhất là khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân cũng như những tiến bộ của Bình Nhưỡng trong lĩnh vực hạt nhân và tên lửa.
Chính phủ Nhật Bản đã được đặt trong tình trạng báo động cao sau những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên. Còn Hàn Quốc vẫn tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ khả năng CHDCND Triều Tiên có những hành động khiêu khích mới. Một mặt đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, mặt khác, Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục kêu gọi cải tổ toàn diện lực lượng vũ trang nước này để củng cố năng lực phòng thủ trước mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên.