Kế hoạch xây tường biên giới Mỹ-Mexico: Cuộc chiến "không khoan nhượng" của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Thứ Năm, 10/01/2019, 14:48
“Chính phủ Mỹ bị đóng cửa chỉ vì một lí do duy nhất: Đó là vì đảng Dân chủ nhất quyết không chi ngân sách cho vấn đề an ninh biên giới”, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu đưa ra tối 8-1 (giờ địa phương) của mình đã mạnh mẽ bày tỏ quyết tâm của ông nhằm xây dựng bức tường ở biên giới với Mexico, bất chấp việc chính phủ Mỹ đã đóng cửa ngày thứ 19 liên tiếp.

Quyết tâm của Tổng thống Donald Trump

Mở đầu bài phát biểu kéo dài 8 phút được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh lớn của Mỹ, Tổng thống Donald Trump không ngần ngại nêu thẳng vấn đề mà ông gọi là “tình trạng khủng hoảng nhân đạo và an ninh đang gia tăng tại biên giới phía Nam nước Mỹ”. 

Trong một nỗ lực được xem là nhằm giành sự ủng hộ của công chúng, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Những năm qua, hàng nghìn người dân Mỹ đã bị giết hại một cách dã man bởi những người nhập cư bất hợp pháp. Hàng nghìn mạng sống khác có thể bị cướp đi nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ. Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo thực sự, một cuộc khủng hoảng cả về tình cảm lẫn tâm hồn”. 

Tổng thống Mỹ cũng không ngần ngại chỉ rõ: “Chính phủ Mỹ bị đóng cửa chỉ vì một lí do duy nhất: Đó là vì đảng Dân chủ nhất quyết không chi ngân sách cho vấn đề an ninh biên giới”. Ông đồng thời nhấn mạnh quyết tâm của mình nhằm chấm dứt “thực tế bi thảm của việc nhập cư bất hợp pháp ở biên giới phía Nam”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trên sóng truyền hình trực tiếp về vấn đề xây tường dọc biên giới Mỹ-Mexico. Ảnh: CBS

Trong bối cảnh cuộc chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và phe Dân chủ trong Quốc hội liên quan đến ngân sách cho dự án bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico nhằm ngăn chặn làn sóng người nhập cư trái phép vẫn chưa ngã ngũ, khiến một phần chính phủ liên bang “bị tê liệt” trong suốt hơn 2 tuần qua, lập trường cứng rắn của Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người bất ngờ. 

Song, điều bất ngờ hơn cả, đó là Tổng thống Mỹ đã không tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia”, như những gì ông từng tuyên bố trước đây. 

Theo giới chuyên gia Mỹ, tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” có thể giúp chấm dứt tình trạng “chính phủ đóng cửa” kéo dài, song sẽ dẫn tới một “cuộc chiến pháp lý”, ảnh hưởng tới cuộc đua vào nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump vào năm 2020. 

Thay vì lao vào một “cuộc chiến” mới, Tổng thống Trump cho rằng mâu thuẫn vẫn có thể được giải quyết “chỉ trong 45 phút” nếu đảng Dân chủ thông qua dự luật bảo vệ biên giới giúp mở cửa chính phủ trở lại trong cuộc gặp ngày mai. 

Ông Trump đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua khoản ngân sách 5,7 tỷ USD để xây một bức tường dọc biên giới với Mexico, nhưng cũng thể hiện sự nhượng bộ khi cho rằng theo yêu cầu của đảng Dân chủ, bức tường biên giới sẽ là các rào chắn bằng thép thay vì một bức tường bê tông cũng như lợi ích mang lại sẽ nhanh chóng bù đắp chi phí.

Và phản ứng của nước Mỹ

Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Trump được đưa ra, Chủ tịch Hạ viện, nghị sỹ Dân chủ Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, nghị sỹ Dân chủ Chuck Schumer ngay lập tức bày tỏ quan điểm của mình. 

Theo đó, Tổng thống Trump phải chấm dứt việc bắt người dân Mỹ làm con tin, ngừng tạo ra khủng hoảng và mở cửa chính phủ trở lại. 

Thượng nghị sỹ Schumer cho biết các nghị sỹ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều nhất trí về sự cần thiết phải đảm bảo an ninh biên giới, tuy nhiên “biểu tượng của nước Mỹ cần phải là Tượng nữ thần Tự do, chứ không phải một bức tường cao hơn 9 mét”. 

Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng đề xuất của Tổng thống Trump tăng cường an ninh biên giới bằng rào chắn là “phù hợp với tình hình thực địa” dọc biên giới Mỹ-Mexico. 

Ông chỉ trích việc “đảng Dân chủ từ chối đàm phán” đã dẫn tới việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần trong 3 tuần qua, đồng thời kêu gọi phe Dân chủ “ngồi vào bàn đàm phán và giúp đưa ra một giải pháp” để mở cửa lại chính phủ.

Còn với người dân Mỹ, cuộc chiến ngân sách đã gây ra không ít khó khăn trong cuộc sống của họ. Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 7-1 thông báo, hệ thống tem phiếu của cơ quan này để hỗ trợ hơn 38 triệu người Mỹ có thể bị giới hạn hoặc dừng hẳn nếu không tiếp tục nhận được nguồn vốn từ ngân sách. 

Nếu nguồn trợ cấp bị cắt giảm, hiệu ứng domino sẽ xảy ra khiến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và các chuỗi bán lẻ bị ảnh hưởng. 

Những người làm công ăn lương trong các cơ quan chính phủ cũng đang lo ngại, nếu tình trạng này không được giải quyết, họ sẽ không còn khả năng thanh toán các khoản chi trả hàng tháng. Nhiều người tỏ ra thất vọng trước các cuộc tranh cãi về ngân sách vẫn chưa có hồi kết.

Theo dự kiến, Tổng thống Donald Trump sẽ có cuộc gặp lần thứ 3 với các nghị sỹ chủ chốt của Quốc hội Mỹ tại Nhà Trắng vào ngày 9-1 (giờ Mỹ), nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ bế tắc. 

Thật khó để dự đoán mâu thuẫn này sẽ được giải quyết ra sao, nhưng theo nhận định của các nghị sỹ, các quan chức Quốc hội và Nhà Trắng, khi nền kinh tế bắt đầu chịu tác động từ tình trạng một phần chính phủ liên bang phải đóng cửa, cả bai bên có thể sẽ có nhượng bộ và đạt thỏa thuận dựa trên những yếu tố chung.

Nhà Trắng cũng thông báo ông Trump đã lên kế hoạch thăm khu vực phía Nam nước này vào 10-1 để gặp gỡ giới chức và người dân nhằm vận động cho bức tường biên giới.

An Nhiên
.
.
.