Kẻ mở cửa, người phong tỏa - chống dịch trái chiều ở châu Âu

Thứ Ba, 14/04/2020, 16:44
Hàng nghìn cửa hàng trên khắp nước Áo chính thức được mở cửa trở lại trong ngày 14/4, trong khi Pháp tuyên bố tiếp tục kéo dài thời gian phong tỏa toàn quốc đến hết 11/5. Khủng hoảng mang tên COVID-19 đang chứng kiến cách đối phó đầy khác biệt của lục địa già.


Mở cửa trở lại

Áo là một trong số những quốc gia đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố nới lỏng giãn cách xã hội, bằng việc mở cửa trở lại một số hình thức kinh doanh nhỏ như tiệm tóc, tiệm bán hoa kể từ ngày 14/4 trong "điều kiện an ninh nghiêm ngặt".

"Về mặt kinh tế, chúng tôi muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng này càng nhanh càng tốt và chiến đấu vì từng người lao động tại Áo", Thủ tướng nước này Sebastian Kurz tuyên bố cuối tuần qua, theo đó khẳng định kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ được thực hiện từng bước.

Một tiệm hoa chuẩn bị mở cửa trở lại tại Áo.

Không thể phủ nhận, Áo đã hành động rất sớm khi dịch COVID-19 mới đang manh nha xuất hiện tại châu Âu. Chính phủ nước này tiến hành đóng cửa trường học, quán bar, nhà hát, thậm chí cả các cửa hàng không thiết yếu trong tháng 3, đồng thời yêu cầu người dân ở trong nhà.

Điều này đã mang lại hiệu quả tốt, khi hiện quốc gia này ghi nhận 368 người tử vong, theo Reuters, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia châu Âu khác. "Tôi khẳng định 100% rằng những gì chúng tôi đã và đang làm đều đúng đắn", ông Kurz nhấn mạnh.

Nhiều quốc gia Tây Âu khác cũng đã tiến hành nới lỏng lệnh phong tỏa theo những cách khác nhau. Tại Đan Mạch, các trung tâm giữ trẻ và trường tiểu học sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 15/4. Chính phủ Czech ngày 14/4 thì tuyên bố, người dân sẽ được ra nước ngoài trong trường hợp thiết yếu.

Còn tại Na Uy, Thủ tướng Erna Solberg thông báo sẽ mở cửa các trường mẫu giáo từ 20/4 và tuần sau đó, trẻ em từ lớp 1 đến lớp 4 sẽ được đi học bình thường. Chính phủ tin rằng các số liệu mới nhất cho thấy Na Uy có thể thực hiện từ từ thực hiện các biện pháp nới lỏng lệnh phong tỏa với "sự lạc quan nhưng thận trọng".

Đáng chú ý, tại Tây Ban Nha, ổ dịch COVID-19 lớn nhất châu Âu hiện nay, kể từ ngày 13/4, một số ngành công nghiệp như xây dựng và sản xuất được phép khởi động lại, với điều kiện cung cấp thiết bị bảo vệ phù hợp cho người lao động. Nhờ vậy, khoảng 300.000 công nhân đã trở lại các khu xưởng làm việc.

Tổng thống Pháp thừa nhận Pháp "rõ ràng đã không chuẩn bị đầy đủ" cho đại dịch COVID-19. Ảnh: AP

Tiếp tục phong tỏa

Tại Pháp, điều ngược lại lại đang diễn ra. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13/4 (giờ địa phương) đã quyết định kéo dài thời gian phong tỏa toàn quốc đến hết ngày 11/5 và lên kế hoạch mở cửa từ từ nền kinh tế.

Tổng thống Macron chỉ ra rằng "dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát." Đây là lý do tại sao lệnh phong tỏa phải được tiếp tục cho đến ngày 11/5, với các biện pháp nghiêm ngặt nhất. Sau thời điểm đó, các trường học từ nhà trẻ đến trung học phổ thông sẽ dần được mở cửa trở lại.

Trong thông báo mới nhất ngày 13/4, Bồ Đào Nha đã quyết định gia hạn 1 tháng lệnh đóng cửa biên giới trên bộ với Tây Ban Nha nhằm phối hợp với quốc gia láng giềng này trong cuộc chiến chống COVID-19. Lệnh này sẽ có hiệu lực đến ngày 15/5. Hiện Bồ Đào Nha đang ở đặt trong tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Y tá điều trị tại khu vực dành cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Italia. Ảnh: France24

Tại Anh, quốc gia chứng kiến số ca lây nhiễm tăng nhanh chóng mặt tại châu Âu, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 13/4 tuyên bố gần như chắc chắn nước Anh sẽ gia hạn thời gian phong tỏa và giữ nguyên các quy định chặt chẽ như hiện nay, vào thời điểm số lượng lớn thiết bị bảo hộ đang được vận chuyển đến các cơ sở y tế trên cả nước.

Anh từng được dự đoán sẽ là quốc gia hứng chịu tổn thất nặng nề nhất châu Âu vì COVID-19 nếu không có các biện pháp phù hợp. Tuần trước, Thủ tướng nước này cũng phải nằm viện và điều trị ICU vì nhiễm COVID-19. Trong khi đó, số ca nhiễm tại đây đã tăng lên gần 90.000 người. Mọi đề xuất ngưng phong tỏa lúc này đều không hề khả thi.

Tại Italia, những nỗ lực dỡ phong tỏa vẫn đang được thực hiện rất cầm chừng. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte gia hạn phong tỏa toàn quốc đến 3/5. Hiệu sách, tiệm văn phòng phẩm và cửa hàng bán quần áo trẻ em có thể mở cửa trở lại từ ngày 14/4. Cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến hệ thống y tế Italia "vỡ trận", buộc quốc gia này phải thận trọng từng bước.

An Nhiên
.
.
.