Iran và EU trước sức ép từ lệnh cấm vận của Mỹ

Thứ Năm, 09/08/2018, 08:48
Đứng trước lệnh trừng phạt mạnh mẽ từ phía Mỹ, chính thức có hiệu lực vào 0 giờ ngày 7-8, trong khi EU đang lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc bảo vệ các doanh nghiệp của mình có giao thương với phía Iran thì Tehran vẫn giữ một quan điểm cứng rắn và chỉ để ngỏ khả năng đàm phán với Washington.

Thỏa thuận hạt nhân JCPOA, đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 (bao gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) năm 2015, không chỉ giúp tạo tiền đề cho sự phát triển đầy bất ngờ của nền kinh tế Iran, mà còn “mở đường” cho các công ty của châu Âu thâm nhập thị trường hấp dẫn Iran với nhiều hợp đồng tỷ đô đã được ký kết. Tuy vậy, ít ai ngờ rằng chỉ 3 năm sau, tháng 5-2018, Tổng thống Donald Trump Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt nhiều lệnh cấm vận đối với Iran.

Theo Reuters, ngày 7-8, những biện pháp trừng phạt đầu tiên mà Mỹ tái áp đặt lên Iran chính thức có hiệu lực, tập trung vào hoạt động thu mua ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD, vàng và các kim loại có giá khác của Iran, theo sau đó là các biện pháp còn “mạnh mẽ hơn” sẽ được đưa ra vào tháng 11 này. Những lệnh cấm vận này, theo các chuyên gia, đang và sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế dễ bị tổn thương của Iran cả trong ngắn và dài hạn. Ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên có thể nhận thấy chính là sự mất giá của đồng rial của Iran.

Theo Independent, thời điểm cuối tháng 7-2018 chứng kiến đồng rial mất hơn nửa giá trị so với đồng USD so với 4 tháng trước đó. Cụ thể, đồng rial đã tụt xuống mức thấp kỷ lục là 100.000 rial/USD vào cuối tháng 7. Đồng rial của Iran lần đầu tiên vượt ngưỡng 50.000 rial/USD vào tháng 3-2018. Tháng 4, Chính phủ Iran đã nỗ lực điều chính tỷ giá lên 42.000 rial/USD, tuy vậy, việc điều chỉnh này đã không đem lại kết quả như mong đợi.

Theo giới quan sát, sự mất giá của đồng rial có thể gây ra sự hỗn loạn, đặc biệt đối với tầng lớp trung lưu Iran. Kéo theo đó là tỷ lệ thất nghiệp tăng, đặc biệt là ở giới trẻ; lạm phát tăng cao do ảnh hưởng từ chi phí hàng hóa nhập khẩu; xuất hiện tình trạng thiếu nước và điện do thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng sau nhiều năm trừng phạt. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Iran có thể sẽ không còn đạt được những con số ấn tượng như sau khi Thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng của Iran trong năm 2018 chỉ ở mức hơn 4%. Tuy nhiên đây là dự đoán từ trước khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Do vậy, con số thực tế còn có thể sẽ không “cao” được như vậy.

Những lệnh cấm vận của Mỹ cũng sẽ đẩy những doanh nghiệp của EU đang theo đuổi cơ hội kinh doanh tại thị trường Iran vào thế khó. Theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ, các công ty của các nước khác, trong đó có cả EU, kinh doanh với Iran sẽ bị cấm làm ăn ở Mỹ.

Mỹ tiếp tục áp đặt nhiều lệnh cấm vận mới, gây sức ép lớn đối với Iran. Ảnh CNN.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7-8 cũng đã thẳng thắn tuyên bố trên trang Twitter cá nhân rằng Mỹ sẽ không “làm ăn” với bất kỳ ai giao thương với Iran. Tuyên bố này của Tổng thống Mỹ khiến mối lo ngại ngày càng gia tăng rằng các ngân hàng và các công ty tài chính có thể mất quyền tiếp cận thị trường tài chính Mỹ nếu họ tiếp tục làm ăn với Iran.

Thậm chí, tình hình hiện nay khiến nhiều công ty châu Âu nghĩ đến việc chấm dứt các hoạt động của mình ở Iran. Các công ty Pháp như Total và hãng sản xuất ôtô PSA đã bày tỏ ý định nhiều khả năng sẽ rút khỏi quốc gia này. Reuters dẫn lời một chuyên gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của Đức sang Iran giảm 4% và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn.

Điều này trái ngược hẳn so với năm ngoái, khi xuất khẩu tăng tới 16%. Thực trạng này nhen nhóm lo ngại cho hơn 100 công ty Đức đang hoạt động tại Iran và khoảng 10.000 doanh nghiệp Đức làm ăn với Iran. Được biết, xuất khẩu của Đức sang Iran trong năm 2017 đạt khoảng 3 tỷ euro (tương đương 3,75 tỷ USD).

Đứng trước những lệnh cấm vận và trừng phạt mạnh mẽ từ phía Mỹ, lãnh đạo Iran vẫn giữ vững quan điểm cứng rắn của mình. Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 6-8, trước khi các lệnh cấm vận của Mỹ có hiệu lực, nhấn mạnh Tehran chỉ để ngỏ khả năng đàm phán với Washington nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump bãi bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế vừa tái áp đặt.

“Iran luôn sẵn sàng đàm phán. Nhưng Mỹ phải quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran và trung thực. Mỹ không thể thương lượng trong khi vẫn áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iran”, ông Rouhani nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo này cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ là đòn “chiến tranh tâm lý” nhằm chia rẽ người dân Iran.

Trong khi đó, cùng với việc chỉ trích những lệnh cấm vận của Mỹ, EU đã kích hoạt điều luật bảo vệ công ty châu Âu khỏi tác động của các lệnh trừng phạt của Washington. Theo Guardian, nội dung chính của điều luật này là cấm tất cả các công ty châu Âu tuân thủ các lệnh trừng phạt có hiệu lực liên lãnh thổ từ phía Mỹ, tức là một công ty châu Âu sẽ bị trừng phạt nếu như rút khỏi các dự án kinh tế với Iran do sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Đồng thời, một điều khoản quan trọng khác của điều luật này là việc các công ty châu Âu sẽ được bù đắp thiệt hại gây ra do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mức độ bù đắp thiệt hại sẽ do một thẩm phán châu Âu quyết định. Đây được xem là phản ứng mạnh mẽ mà châu Âu muốn gửi đến chính quyền ông Donald Trump, nhằm phản đối chính sách của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran.

Tuy nhiên, đa số các chuyên gia luật và kinh tế tại châu Âu đều nhận định, “luật phong toả” mà EU vừa đưa ra có rất ít tác dụng trên thực tế.

Duy Tiến (tổng hợp)
.
.
.