Iran sẵn sàng làm giàu urani cao hơn mức quy định

Thứ Bảy, 06/07/2019, 22:47
Với tuyên bố sẽ làm giàu urani ở cấp độ cao, trên 3,67% - tức là trên mức cần thiết để sản xuất năng lượng hạt nhân dân sự - từ ngày 7-7 nếu các nước châu Âu “không hành động”, Iran dường như đang chuẩn bị bước đi đầu tiên để có thể sản xuất 1 vũ khí hạt nhân.


Trước bối cảnh đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) vội vã tiến hành một cuộc họp khẩn vào ngày 10-7 để thảo luận về vấn đề này.

Tuyên bố cứng rắn

Phát biểu ngày 6-7, ông Ali Akbar Velayati, trợ lý cấp cao của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, khẳng định Tehran sẵn sàng bắt đầu làm giàu urani ở cấp độ cao hơn so với mức quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới. 

Phát biểu trong một đoạn video được đăng tải trên trang mạng của ông Ali Khamenei, ông Ali Akbar Velayati nói: “Những người Mỹ đã trực tiếp và những người châu Âu đã gián tiếp vi phạm thỏa thuận”. 

Iran tuyên bố sẽ làm giàu urani ở cấp độ cao, trên 3,67%, từ ngày 7-7. Ảnh: Saudi Gazette

Cũng theo ông Ali Akbar Velayati, quyết định nâng cao cấp độ làm giàu urani vượt trên ngưỡng 3,67% được quy định trong thỏa thuận “đã được mọi thành viên trong chính quyền nhất trí”. Mặc dù chính quyền Tehran vẫn chưa khẳng định mức độ làm giàu urani, song trong đoạn video trên, trợ lí cấp cao của lãnh tụ tối cao Iran đã đề cập tới yêu cầu làm giàu ở mức 5%.

Trước đó, hôm 5-7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết: “Từ ngày 7-7, chúng tôi sẽ thực hiện bước đi tiếp theo của mình. Nếu bạn - các đối tác châu Âu trong thỏa thuận hạt nhân, muốn bày tỏ sự hối tiếc thì hãy hành động ngay bây giờ hoặc nếu bạn muốn đưa ra một thông cáo, thì hãy phát hành nó ngay bây giờ. Việc làm giàu urani của Iran sẽ không còn duy trì ở mức 3,67%. Chúng tôi sẽ tăng mức độ làm giàu lên bất kỳ mức nào chúng tôi cho là cần thiết và chúng tôi muốn. Bạn cũng phải biết rằng nếu bạn không thực hiện tất cả các nghĩa vụ của mình với chúng tôi theo như thỏa thuận, thì từ ngày 7-7, lò phản ứng hạt nhân Arak sẽ quay trở lại các hoạt động trước đó”.

Theo Tổng thống Iran, nước này từng tuân thủ đầy đủ 100% các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Dù Iran sắp giảm cam kết của mình, song tỉ lệ này vẫn còn ít nhất 98%. Tuy nhiên, các đối tác châu Âu vẫn chưa thực hiện cam kết của mình, dù Iran cũng không cần con số đó là tuyệt đối. 

Trước cảnh báo của Iran, ngay lập tức, Pháp tuyên bố kênh thương mại đặc biệt giữa châu Âu với Iran (INSTEX), với mục đích né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, sẽ đi vào hoạt động trong những ngày tới. 

Tuy nhiên, với Iran, dường như điều này là “chưa đủ”, bởi cơ chế INSTEX được xây dựng, chỉ để hỗ trợ các hoạt động thanh toán trong các lĩnh vực dược phẩm, y tế và thực phẩm; trong khi điều Iran muốn là có thể xuất khẩu được dầu mỏ - do đây mới là nguồn thu nhập chính của nước này. 

Trong khi đó, giới chức Mỹ cùng ngày đã đề xuất Hội đồng thống đốc gồm 35 quốc gia của IAEA họp khẩn để bàn về vấn đề hạt nhân Iran. Cơ quan này cũng đã xác nhận cuộc họp sẽ được tổ chức vào ngày 10-7 tới.

Căng thẳng với Iran, Mỹ mất nhiều hơn được

Vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, căng thẳng giữa Iran với Mỹ và châu Âu lại như “lửa được tiếp thêm dầu” khi Anh mới đây bắt giữ 1 tàu chở dầu của Iran tại vùng biển Gibraltar – vùng lãnh thổ thuộc Anh hôm 4-7 vừa qua. 

Theo giới chức Anh, việc bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran là do nghi ngờ đích đến của chiếc tàu này là 1 nhà máy lọc dầu của Syria – 1 thực thể đang nằm trong lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu. 

Tuy nhiên, giới chức Iran cho rằng, việc bắt giữ này là “trái phép” và yêu cầu Anh thả chiếc tàu ngay lập tức; đồng thời cảnh báo Tehran cũng sẽ bắt 1 tàu chở dầu của Anh để đáp trả. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cảnh báo, Iran chưa bao giờ khởi xướng các hành động thù địch, song cũng chưa bao giờ do dự trong đối phó với các hành động “bắt nạt” nhằm vào nước này. 

Bất chấp phản ứng cứng rắn từ Iran, ngày 5-7, Tòa án Tối cao vùng Gibraltar đã gia hạn lệnh tạm giữ chiếc tàu chở dầu của Iran thêm 14 ngày, theo Quy định số 36/2012 của EU về trừng phạt đối với Syria. Trong khi, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày cũng cảnh báo, Iran nên cẩn thận trước khi hành động. 

Khác với Mỹ và Anh, Bộ Ngoại giao Nga mô tả việc bắt giữ tàu chở dầu của Iran là “một hành động được lên kế hoạch từ lâu” và là nhằm làm phức tạp hơn nữa tình hình vốn đang rất căng thẳng hiện nay liên quan tới Iran và Syria.

Theo trang middleeastemonitor, Mỹ và Iran dường như khó có thể tránh chiến tranh nếu hai bên tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn như hiện nay. Trong trường hợp hai bên giảm căng thẳng thì hậu quả về mặt ngoại giao và chính trị với Mỹ cũng nghiêm trọng không kém gì hậu quả của một cuộc chiến thực sự. 

Thứ nhất, chính sách gây sức ép tối đa của Tổng thống Donald Trump đang tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn trong niềm tin vào Mỹ với tư cách cường quốc dẫn dắt toàn cầu. Sự cứng rắn của Iran trong chống lại Mỹ sẽ khiến chính sách đe dọa để buộc các nước yếu hơn quy phục lung lay trong tương lai. Các nước chống Mỹ khác sẽ có động lực để chống lại Mỹ. Quan hệ Mỹ-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) chắc chắn sẽ xấu đi. 

Tới nay, các đồng minh vùng Vịnh vẫn đảm bảo an ninh cho Mỹ trước các mối đe dọa từ Iran nhưng hiện tại, GCC không hài lòng với Mỹ vì không trả đũa Iran sau khi Iran bắn máy bay không người lái.

Thứ hai, các đối thủ toàn cầu của Mỹ như Trung Quốc và Nga rất muốn tận dụng cơ hội từ leo thang căng thẳng Mỹ-Iran. Washington càng gây nhiều sức ép với Iran, Tehran càng quay sang Moscow và Bắc Kinh tìm kiếm ủng hộ. Cả ba quốc gia này đều đang bị Mỹ trừng phạt và có lợi ích chung để chống và kiềm chế thế độc quyền toàn cầu của Mỹ. 

Với Nga, Iran là nhân tố quan trọng trong chiến lược Syria và là đối tác chính trong cuộc chiến chống các phiến quân ở Trung Đông và vùng Caucasus. Với Trung Quốc, Iran là một mắt xích quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Cả Trung Quốc và Nga đều không muốn Mỹ khuất phục Iran và kiểm soát nguồn dầu của nước này. Cho dù trong trường hợp nào thì Mỹ cũng sẽ mất nhiều thứ hơn khi leo thang khủng hoảng với Iran.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.