Iran cùng các cường quốc bàn cách duy trì thỏa thuận hạt nhân
- Iran thúc giục châu Âu cứu thỏa thuận hạt nhân
- Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nhưng thúc ép Iran tuân thủ
- Nhiều nước kêu gọi Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân
Quan chức cấp cao Iran và Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức đã có cuộc gặp mặt trực tiếp tại Thủ đô Vienna của Áo chiều 28-7 (giờ địa phương) để thảo luận các biện pháp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), vốn đang đối mặt nguy cơ sụp đổ vì Mỹ đơn phương rút khỏi năm ngoái, cũng như những diễn biến phức tạp gần đây ở vùng Vịnh. Kết thúc hơn 2 giờ thảo luận trực tiếp, đại diện các nước đều bước ra phòng họp với tinh thần tích cực.
Là người đầu tiên phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Araqchi nhấn mạnh, các bên dù “chưa đạt được đột phá cụ thể nào, song cuộc họp đã mang lại những tín hiệu khả quan đầu tiên”.
“Bầu không khí mang tính xây dựng. Các cuộc thảo luận đều diễn ra tốt đẹp. Tôi không thể tuyên bố chúng ta đã giải quyết mọi thứ, nhưng tôi có thể khẳng định, rất nhiều cam kết đã được đưa ra”, ông Seyyed Abbas Araqchi thông báo.
Trong khi đó, đại diện của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, ông Mikhail Ulyanov, viết trên trang Twitter rằng, các bên đã thảo luận chi tiết tình hình xung quanh việc thực thi JCPOA, trong đó tập trung vào vấn đề hạt nhân ở Iran và cách thức giúp Tehran chống lại các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Quan chức Nga nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt đơn phương của Washington đặt ra nhiều thách thức cho JCPOA, nhưng các bên tham dự cuộc họp đều thể hiện cam kết duy trì văn kiện vì nó là thỏa thuận tốt nhất giải quyết vấn đề hạt nhân Iran.
Quan chức phái đoàn Trung Quốc, ông Fu Cong, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao nước này thì nêu rõ, dù có những “khoảnh khắc căng thẳng” trong cuộc gặp ở Vienna, nhưng các bên đã thể hiện cam kết của mình nhằm bảo vệ JCPOA và tiếp tục thực hiện văn kiện một cách cân bằng, hiệu quả.
Đại diện các nước JCPOA nhóm họp ở Vienna, Áo. Ảnh: AP. |
“Các bên cùng thể hiện phản đối mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã đơn phương áp đặt chống lại Iran”, quan chức Trung Quốc cho biết.
Đại diện các nước châu Âu chưa đưa ra bình luận chính thức nào, song theo các quan chức có mặt tại cuộc gặp, các nước châu Âu đã đề nghị Iran quay lại thực thi đầy đủ JCPOA, còn Tehran nhấn mạnh sẽ lập tức tuân thủ trở lại thỏa thuận hạt nhân khi Liên minh châu Âu (EU), Anh, Pháp cùng Đức thực hiện đúng cam kết giúp Iran chống lại các lệnh trừng phạt đơn phương do Mỹ áp đặt.
Reuters đánh giá, cuộc gặp lần này rất có ý nghĩa, bởi nó làm rõ quan điểm của từng nước còn lại về JCPOA, trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Mỹ ngày càng trầm trọng hơn kể từ thời điểm Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5-2018 rồi tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt chống Tehran.
Kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, Iran cuối tháng trước ngừng thực thi một số điều khoản của JCPOA, gồm việc vượt giới hạn làm giàu uranium 3,67%, nhằm gây áp lực yêu cầu các bên đảm bảo kênh giao thương với Tehran, trong đó trọng tâm là việc mua bán dầu lửa.
Về vấn đề này, sau cuộc gặp hôm 28-7, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Araqchi đã xác nhận Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) mà châu Âu đang xây dựng giúp Iran chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ sắp “thành hình”. Đây là yếu tố then chốt để Tehran xem xét quay lại tuân thủ đầy đủ JCPOA.
Tuy vậy, để thể hiện sự cứng rắn và mất dần kiên nhẫn với châu Âu, sáng 28-7, ngay trước cuộc gặp với các cường quốc ở Vienna, Iran vẫn thông báo sẽ sớm tái khởi động lò phản ứng nước nặng tại cơ sở hạt nhân Arak – nơi có thể được sử dụng để chế tạo plutonium, một nguyên liệu khác của vũ khí hạt nhân.
Dù Tehran luôn khẳng định nước này không muốn chế tạo vũ khí hủy diệt, song các bước đi vẫn làm cộng đồng quốc tế lo ngại. Nga cùng ngày ra tuyên bố một mặt thể hiện sự cảm thông với Iran trước áp lực từ Mỹ, mặt khác kêu gọi Tehran kiềm chế để tránh đẩy tình hình vượt tầm kiểm soát.
Các chuyên gia nhận định, để cứu vãn JCPOA, ngoài việc Iran và các cường quốc cần đàm phán những yếu tố liên quan trực tiếp đến thỏa thuận, các bên cũng cần tính toán tránh leo thang căng thẳng trên thực địa, nhất là sau các diễn biến khó lường như việc Iran bắn hạ trinh sát cơ không người lái trị giá gần 200 triệu USD của Mỹ hay việc Iran và Anh gần đây bắt giữ tàu chở dầu của nhau gần eo biển Hormuz. Anh, một bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân, hiện trở thành bên liên quan trực tiếp tới các vụ đụng độ ở vùng Vịnh.
Từ sau khi Thủ tướng Boris Johnson nhậm chức, London cho thấy xu hướng ủng hộ hơn Mỹ trong cuộc đối đầu với Tehran. Đây sẽ là một thách thức nghiêm trọng nếu Anh tăng cường hiện diện quân sự chống Iran ở vùng Vịnh hay thậm chí theo chân Mỹ rút khỏi thỏa thuận lịch sử này. London gần đây cũng đã triển khai 2 tàu chiến hiện đại tới vùng Vịnh, bất chấp sự phản đối của Iran.
Hôm 28-7, Ngoại trưởng mới được bổ nhiệm của Anh Dominic Raab thậm chí kêu gọi các nước châu Âu tham gia sứ mệnh tuần tra vùng Vịnh do Mỹ dẫn đầu, dù chính quyền của cựu Thủ tướng Anh Theresa May trước đó kêu gọi thành lập một đội tuần tra vùng Vịnh của riêng châu Âu, độc lập với Mỹ.
Cả hai sứ mệnh của Mỹ và châu Âu đều được mô tả là nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền di chuyển qua eo biển Hormuz. Tuy nhiên, phần lớn các nước châu Âu, nhất là Đức và Pháp, coi hoạt động do Mỹ đứng đầu là một phần chiến dịch gây sức ép tối đa chống Iran, và bởi vậy nó không phù hợp với mục đích tối quan trọng là duy trì JCPOA.
Trong động thái hiếm hoi thể hiện thiện chí với Anh, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 28-7 đã đích thân gửi lời chúc mừng tới tân Thủ tướng Boris Johnson. “Tôi hy vọng chúng ta sẽ chứng kiến mối quan hệ song phương và đa phương ngày càng sâu sắc trong nhiệm kỳ Thủ tướng của ngài”, Tổng thống Iran viết trong thư và nhấn mạnh ông muốn cùng Thủ tướng Boris Johnson “xóa bỏ những trở ngại hiện có trên con đường phát triển quan hệ giữa hai nước”.