Hơn 100 nước yêu cầu điều tra về COVID-19, Trung Quốc chi 2 tỷ USD ứng phó đại dịch
Trong bài phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) ngày 18/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố gói 2 tỷ USD để giúp giải quyết đại dịch COVID-19.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu trực tuyến. |
Ông Tập cũng kêu gọi “đánh giá toàn cầu” về phản ứng quốc tế đối với dịch bệnh, nhưng nhấn mạnh rằng việc đánh giá nên được dẫn dắt bởi chính Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chỉ nên được tiến hành khi đại dịch đã được kiểm soát. Tuyên bố của ông Tập được đưa ra khi hơn 100 Bộ trưởng Y tế từ khắp nơi trên thế giới chuẩn bị kêu gọi một cuộc đánh giá độc lập về cách xử lý dịch của WHO.
Dự thảo nghị quyết, có sự hỗ trợ của 116 quốc gia, đang kêu gọi đánh giá “công bằng, độc lập và toàn diện” về các hành động của WHO và các mốc thời gian liên quan đến đại dịch COVID-19, cũng như tìm cách xác định nguồn gốc của virus.
Đại dịch, đã giết chết hơn 315.000 người và lây nhiễm hơn 4 triệu người trên toàn thế giới, gây ra sự leo thang mạnh mẽ trong căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. WHO cũng đang phải đối mặt với những lời chỉ trích.
Tháng trước, Tổng thống Donald Trump đã cắt viện trợ của Mỹ khỏi tổ chức này, cáo buộc họ quá gần gũi với Bắc Kinh, không chia sẻ thông tin kịp thời và che đậy cho những sai lầm của Trung Quốc. Động thái này đã gặp phải sự chỉ trích nặng nề trong và ngoài nước, trong khi các quan chức của WHO bác bỏ tuyên bố này.
Trong tuyên bố của mình, ông Tập đã nhắc lại tuyên bố chính thức của Bắc Kinh rằng Trung Quốc đã hành động minh bạch và chia sẻ thông tin về dịch, được cho là bắt nguồn từ tỉnh Hồ Bắc, một cách kịp thời.
Ông Trump là nguyên thủ chính tố cáo Bắc Kinh, nhưng ông không phải là người duy nhất cáo buộc rằng các quan chức Trung Quốc che đậy virus trong giai đoạn đầu và làm trầm trọng thêm sự lây lan khiến nó biến thành một đại dịch.
Trong bài phát biểu ngày 18/5, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hoan nghênh nghị quyết đề xuất xem xét cách xử lý đại dịch của WHO và sẽ bắt đầu đánh giá độc lập vào thời điểm thích hợp sớm nhất.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký LHQ António Guterres kêu gọi sự đoàn kết giữa các quốc gia chống lại đại dịch, nhấn mạnh rằng COVID-19 “là một hồi chuông cảnh tỉnh”, và là cơ hội lịch sử để đẩy mạnh nghiên cứu và giảm bất bình đẳng tiếp cận chăm sóc y tế.