Học thuyết Donald Trump nhìn từ cách thức Mỹ hóa giải hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên
- Triều Tiên không đánh đổi phi hạt nhân hóa để lấy viện trợ từ Mỹ
- 4 kịch bản với Triều Tiên sau khi Trump hủy họp thượng đỉnh
- Triều Tiên vẫn mở "cánh cửa đối thoại" dù ông Trump bỏ họp thượng đỉnh
- Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh quân đội sẵn sàng đáp trả Triều Tiên
Khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trước tiên” về sau trở thành Học thuyết Donald Trump dựa trên một trong những nền tảng tư tưởng là nguyên lý ứng xử “hòa bình thông qua sức mạnh” ("Peace Through Power"), theo đó Mỹ sẽ sử dụng ưu thế vượt trội về kinh tế, chính trị và an ninh để buộc các nước phải hành động theo “luật chơi” được sắp đặt ở Washington.
Trong hơn một năm cầm quyền, tư duy này đã được Tổng thống Donald Trump áp dụng trong nhiều quyết sách quan trọng, trong đó đáng chú ý nhất là cách thức Mỹ hóa giải hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, xem ra nguyên lý “hòa bình thông qua sức mạnh” của Học thuyết Donald Trump khó phát huy hiệu quả trong việc ứng xử của Washington với Triều Tiên.
Với hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên, trong khi các quan chức ở Bình Nhưỡng và Washington đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đã được hai bên thống nhất sẽ được tổ chức vào ngày 12-6 ở Singapore, thì Tổng thống Donald Trump bất ngờ thông báo hủy cuộc gặp này trong một bức thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 24-5.
Còn nhiều trắc trở cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. |
Lý do hủy cuộc gặp này được ông Donald Trump giải thích là do “sự nóng giận dữ dội và thái độ thù địch rõ rệt” từ phía Triều Tiên đối với Mỹ nên “nhận thấy thời điểm hiện tại không thích hợp cho việc tiến hành cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ lâu”. Đó là lời giải thích của chủ nhân Nhà Trắng, nhưng lý do đích thực lại hoàn toàn không phải như vậy.
Công bằng mà nói, “sự nóng giận dữ dội và thái độ thù địch rõ rệt” từ phía Triều Tiên mà ông Donald Trump coi là lý do để hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều không phải là không có lý, bởi nó xuất phát từ những tuyên bố mang tính chất “tối hậu thư” từ phía Mỹ. Tổng thống Donald Trump và các quan chức cấp cao ở Washington đã nhiều lần tuyên bố không cần úp mở về mục đích mà Mỹ đặt ra trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Trong bài trả lời phỏng vấn của báo chí, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, ông John Bolton đã tuyên bố rõ điều kiện của Mỹ đối với Triều Tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là chính quyền Bình Nhưỡng phải hủy bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân như Libya đã từng làm dưới thời nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Thậm chí, ông John Bolton còn cho rằng, Mỹ cần tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ hơn nữa nhằm buộc Triều Tiên phải hủy bỏ chương trình hạt nhân, còn Mỹ không cần phải đưa ra cam kết về một hiệp ước hòa bình hay viện trợ kinh tế. Ông John Bolton còn nói: “Nhà lãnh đạo Triều Tiên cần phải cảm thấy niềm vinh hạnh lớn khi được gặp Tổng thống Mỹ”?!.
Ngày 17-5, trong cuộc họp báo sau cuộc gặp Tổng Thư ký NATO đang ở thăm Mỹ, Tổng thống Donald Trump cho biết: “Kịch bản Libya có thể được áp dụng ở Triều Tiên nếu Mỹ không đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa với nhà lãnh đạo Kim Jong-un”. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng cho biết, trong cuộc gặp sắp tới ở Singapore, Washington sẽ không nhân nhượng và nếu ông Kim Jong-un không chấp nhận phi hạt nhân hóa theo cách có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược thì Triều Tiên nhận được kịch bản Libya”.
Người Triều Tiên, hơn ai hết, biết quá rõ “kịch bản Libya” có nghĩa là gì. Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton là một chính khách hàng đầu ở Mỹ được giao nhiệm vụ loại bỏ chương trình hạt nhân của Libya. Kết quả các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Libya trong năm 2003 là Libya tuyên bố hoàn toàn từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Đổi lại, Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Libya. Năm 2004, toàn bộ thiết bị kỹ thuật và công nghệ hạt nhân của Libya được tháo dỡ và chuyển sang Mỹ. Năm 2011, Mỹ và NATO phát động chiến dịch quân sự núp dưới chiêu bài thực hiện Nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về “thiết lập vùng cấm bay” ở Libya với kết cục bi thảm: nhà lãnh đạo nước này, ông Muammar Gaddafi, bị sát hại một cách dã man hơn cả thời Trung Cổ!
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng là người đã từng thể hiện quan điểm rất cực đoan đối với Triều Tiên khi ông đã nhiều lần đề nghị tấn công phủ đầu vào quốc gia này liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Để gây sức ép buộc Triều Tiên phải chấp nhận “đầu hàng” tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới, Mỹ và Hàn Quốc tổ chức cuộc tập trận trên quy mô lớn, trong đó máy bay ném bom chiến lược mang vũ khí hạt nhân của Mỹ B-52 bay sát không phận Triều Tiên.
Để đe dọa Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố: “Ông Kim Jong-un khoe Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, nhưng kho vũ khí này của Mỹ còn lớn hơn và mạnh hơn gấp bội. Cái núm hạt nhân của tôi còn lớn hơn cái núm hạt nhân của ông Kim Jong-un. Tôi đã nói chuyện với tướng James Mattis, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân quân Joseph Dunfordrằng Mỹ có quân đội mạnh nhất thế giới vào lúc này và đã được tăng cường mạnh mẽ thời gian gần đây. Và như các vị biết đấy, đội quân này luôn sẵn sàng hành động khi cần thiết".
Trong bối cảnh đó, không có gì là thái quá khi Triều Tiên buộc phải có phản ứng trước những tuyên bố mang tính chất “tối hậu thư” từ phía các quan chức cao cấp nhất của của Mỹ. Trước những tuyên bố và hành động này từ phía Mỹ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui tuyên bố: “Là một người được giao nhiệm vụ chuyên nghiên cứu quan hệ với Hoa Kỳ, tôi không thể không ngạc nhiên trước những lời nói ngu xuẩn và ngớ ngẩn của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Chúng tôi sẽ không bao giờ cầu xin Mỹ để đối thoại và cũng sẽ không bận tâm tới chuyện tìm cách thuyết phục họ, một khi họ không muốn ngồi vào bàn đàm phán với chúng tôi.
Nếu Mỹ bỏ qua thiện chí của Triều Tiên và tiếp tục hành động bất hợp pháp và thái quá, tôi sẽ đề nghị lãnh đạo cấp cao của chúng tôi xem xét lại quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Việc Hoa Kỳ chấp nhận gặp chúng tôi tại bàn đàm phán hay thách đấu trong cuộc chiến hạt nhân là hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định và hành động của Washington".
Quan điểm nhất quán của Triều Tiên là họ sẽ chỉ chấp nhận phi hạt nhân hóa một khi nhận được sự đảm bảo chắc chắn về anh ninh và chính trị, theo đó Mỹ phải ký với Triều Tiên hiệp ước hòa bình chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và đưa ra đảm bảo bằng văn bản không can thiệp vào chủ quyền quốc gia của Triều Tiên. Do đó, Triều Tiên tuyên bố sẽ hủy cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un ở Singapore nếu Mỹ tiếp tục có những hành động gây sức ép đối với Bình Nhưỡng.
Lo ngại rằng Triều Tiên có thể sẽ đưa ra tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, ông Donald Trump phải vội vàng đưa ra tuyên bố trước là hủy cuộc gặp này để tránh bị rơi vào thế “việt vị”!
Thế nhưng, hoàn toàn trái với dự đoán của ông Donald Trump, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã có phản ứng rất nhã nhặn và mang tính xây dựng với tuyên bố rằng Bình Nhưỡng đã sẵn sàng cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vào bất cứ lúc nào và bằng bất cứ cách nào.
Để thoát khỏi thế “việt vị”, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tuyên bố vẫn sẵn sàng cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore vào ngày 12-6-2018. Tuy nhiên, với những diễn biến đầy kịch tính và vô cùng phức tạp này, cùng với tính cách thất thường của ông Donald Trump, cuộc gặp sắp tới cũng chỉ là bước khởi đầu vào mê cung hồ sơ phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.