Hòa bình và ổn định ở Biển Đông đang bị đe dọa

Chủ Nhật, 28/02/2016, 08:43
Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott đã bày tỏ những quan ngại này trong cuộc nói chuyện ở Nhật Bản xung quanh vấn đề Trung Quốc gia tăng các hoạt động xây dựng và cải tạo đảo nhân tạo trên Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở rộng cam kết phi quân sự hóa ra phạm vi toàn bộ Biển Đông.


Trích dẫn những phát biểu của cựu Thủ tướng Tony Abbott tại Nhật Bản ngày 27-2, tờ Sky News Australia nhấn mạnh, Australia không tham gia hay đứng về bất kỳ bên nào của cuộc tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông hay ở các vùng biển khác. Tuy nhiên, điều mà chính quyền Canbera lo lắng nhất chính là hòa bình và sự ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như sự tôn trọng và thực hiện đúng theo điều luật quốc tế của các quốc gia trong khu vực này. 

Ông Tony Abbott còn khẳng định, việc đơn phương thực hiện các hành động cải tạo đảo nhân tạo sẽ gây ra những hậu quả lớn về môi trường, hệ sinh thái biển và tác động xấu đến sự phát triển, thịnh vượng của khu vực. Trong khi đó, tờ The Economics Times số ra ngày 26-2 cũng nói đến những phản ứng của Ấn Độ xung quanh vấn đề Biển Đông. 

Theo đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup cho rằng, tất cả các quốc gia cần phải tránh những “hành động đơn phương” làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Bức ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy sơ đồ bố trí hệ thống radar của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: CSIS/AMTI.

Ông Vikas Swarup nhấn mạnh: “Ấn Độ luôn tôn trọng sự tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, quyền được qua lại, hàng không và thương mại không bị cản trở cùng với việc tiếp cận các nguồn tài nguyên, phù hợp với Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Tất cả các quốc gia cần phải tránh hành động đơn phương ở Biển Đông, dẫn tới căng thẳng trong khu vực”.

Đồng thời, tờ The Economics Times cũng cho biết thêm rằng, chính phủ Ấn Độ đang đề xuất lên Quốc hội việc thành lập một trạm theo dõi, tiếp nhận và xử lý dữ liệu vệ tinh cho các nước ASEAN…

Riêng Mỹ thì có những thái độ cứng rắn hơn. Cụ thể, hôm 26-2, Mỹ đã hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuân thủ cam kết không quân sự hóa quần đảo Trường Sa nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Lời kêu gọi này được Giám đốc các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng Dan Kritenbrink đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng hai nước có cuộc gặp tại thủ đô Washington D.C. 

Ông Dan Kritenbrink cho biết Mỹ sẽ tìm cách thúc ép Trung Quốc kiềm chế, không thực hiện các hành vi làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông bởi đây là tuyến hàng hải vô cùng quan trọng, nơi phần lớn thương mại quốc tế đi qua. 

Trước đó, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc “đang làm thay đổi hiện trạng” ở Biển Đông và khẳng định Mỹ sẽ tăng cường các cuộc tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.

Đô đốc Harry Harri cũng cảnh báo: "Nếu Trung Quốc tiếp tục vũ trang tất cả các căn cứ mà họ bồi đắp ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ thay đổi môi trường hoạt động tại khu vực này…". Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng, các nỗ lực bồi đắp và xây dựng căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm gia tăng sự phản đối của các nước láng giềng.

Trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang nhiên đáp lại rằng những căn cứ quân sự mà nước này xây dựng trên Biển Đông là “hoàn toàn hợp pháp”. 

Thậm chí Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn tuyên bố, Bắc Kinh hy vọng sẽ không phải chứng kiến việc Mỹ điều các máy bay ném bom hay tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đến tuần tra trong khu vực. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh còn nhấn mạnh rằng, đây là việc Trung Quốc “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của mình” và rằng các công trình mà Bắc Kinh xây dựng chủ yếu dùng cho mục đích dân sự, “là sản phẩm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho cộng đồng quốc tế”. 

Chưa hết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tố ngược lại Mỹ lấy vấn đề “quân sự hóa” khu vực để chỉ trích Trung Quốc, gây chia rẽ đoàn kết giữa các quốc gia trong khu vực… và yêu cầu Mỹ thực hiện cam kết không đứng về phía bên nào trong vấn đề tranh chấp cũng như ngừng các hoạt đông “thổi phồng” vấn đề Biển Đông. 

Giới quan sát thì nhận định đây chỉ là những lời ngụy biện từ phía Trung Quốc để che giấu âm mưu thật sự của nước này tại Biển Đông bởi như nhà nghiên cứu Gregory Polling đã nói “Người ta không cần một đường băng dài tới 3km để phục vụ các máy bay dân sự”.

Huyền Chi
.
.
.