Hiệp định khí hậu Paris là “không thể đảo ngược”

Thứ Tư, 06/11/2019, 09:57
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có chuyến thăm Trung Quốc và trong khuôn khổ hội đàm tại Bắc Kinh ngày 6-11, ông và Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình dự kiến ký một thỏa thuận chung về khí hậu, theo đó sẽ tuyên bố “tính không thể đảo ngược” của Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.


Tuyên bố này được đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trình thư lên Liên hợp quốc (LHQ) thông báo rút khỏi Hiệp định trên.

Trong tuyên bố ngày 5-11, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, Paris bày tỏ “lấy làm tiếc” trước việc Washington khởi động tiến trình chính thức rút khỏi thỏa thuận đạt được tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) ở Paris, Pháp vào tháng 12-2015. 

Tuyên bố nêu rõ Pháp cảm thấy tiếc về động thái của Mỹ dù đã dự kiến trước đó và điều này càng khiến quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Pháp trong lĩnh vực đa dạng sinh học và khí hậu trở nên cần thiết hơn. 

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là “không thể đảo ngược”.

Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết thêm trong khuôn khổ cuộc hội đàm tại Bắc Kinh ngày 6-11, Tổng thống Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ký một thỏa thuận chung về khí hậu, theo đó sẽ tuyên bố “tính không thể đảo ngược” của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. 

Cùng ngày, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi cho biết việc Mỹ khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 là “rất đáng thất vọng”. 

Phát biểu với báo giới, quan chức này nêu rõ: “Tạo ra một xã hội khử carbon là một vấn đề cấp thiết và (động thái của Mỹ) là rất đáng thất vọng. Không thể kêu gọi Tổng thống (Donald) Trump đảo ngược quyết định này”. 

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng bày tỏ sự thất vọng về sự rút lui của Mỹ, đồng thời cho rằng tất cả cộng đồng quốc tế cần đối phó với sự ấm lên toàn cầu. 

Cũng tại cuộc họp báo trên, ông Yoshihide Suga nêu rõ: “Căn cứ vào tuyên bố hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Oska, chúng tôi sẽ thăm dò các cách thức hợp tác với Mỹ nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.

Còn tại nước Mỹ trong khi các nghị sĩ Bảo thủ hoan nghênh thông báo của chính quyền Tổng thống Donald Trump, thì Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (thuộc đảng Dân chủ) lại cho rằng, đây là một quyết định phản khoa học, “bán đứng tương lai của hành tinh và những đứa trẻ”. 

Cùng quan điểm, ông Robert Menendez, nghị sĩ đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cáo buộc chính quyền của Tổng thống Donald Trump “một lần nữa thể hiện thiếu tôn trọng các đồng minh, nhắm mắt làm ngơ trước sự thật và tiếp tục chính trị hóa thách thức môi trường lớn nhất thế giới”. 

Theo quan điểm của ông Robert Menendez thì quyết định này sẽ trở thành một trong những ví dụ tồi tệ nhất về việc từ bỏ vị thế lãnh đạo của Mỹ và nhượng bộ về quyền lực cho những nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác. 

Trong khi đó, ông Andrew Steer, Chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới thì cho rằng, quyết định được thúc đẩy bởi một tầm nhìn lỗi thời có từ thế kỷ trước, khi người ta tin rằng hành động khí hậu là tốn kém và sẽ phá hủy việc làm. 

Cựu phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden và là đối thủ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau cùng ngày đăng tải dòng tweet trong đó chỉ trích đây là một hành động đáng xấu hổ. 

Nhiều nhà phân tích cho rằng, quyết định của Tổng thống Donald Trump sẽ không có nguy cơ tạo ra hiệu ứng domino như một số lo ngại trước đây, mà thậm chí còn làm gia tăng quyết tâm chống biến đổi khí hậu tại những bang do đảng Dân chủ kiểm soát, hay các thành phố và công ty đã cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính carbon dioxide vào năm 2050.

Trước đó, hôm 4-11, Mỹ, nước phát thải carbon dioxide lớn thứ hai thế giới, đã chính thức bắt đầu tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong lá thư gửi tới LHQ, Washington viện dẫn những lý do đưa tới quyết định, đặc biệt là “những gánh nặng kinh tế không công bằng” mà Mỹ cho là sẽ phải gánh chịu do việc tham gia thỏa thuận. 

Trong một thông cáo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, chính quyền nước này đã đưa ra quyết định rút khỏi Hiệp định Paris vì gánh nặng kinh tế không công bằng đối với người lao động, doanh nghiệp và người nộp thuế ở Mỹ. 

Theo các điều khoản của hiệp định, tiến trình rút khỏi thỏa thuận toàn cầu này sẽ kéo dài một năm. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không còn là thành viên của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 4-11-2020, một ngày sau ngày bầu cử Tổng thống vào năm sau. 

Từ nay đến thời điểm đó, Mỹ sẽ không cử phái đoàn tới tham dự các Hội nghị thượng đỉnh khí hậu lớn của LHQ, mà đầu tiên phải kể đến Hội nghị thượng đỉnh LHQ về chống biến đổi khí hậu lần thứ 25 vào tháng 12 tới tại Tây Ban Nha.

Hồi tháng 10 năm nay, người đứng đầu Nhà Trắng đã tái khẳng định kế hoạch rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Phát biểu tại một hội nghị năng lượng tại Pittsburgh, ông cho rằng Hiệp định Paris sẽ ngăn cản chính quyền của ông thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, khiến các nhà sản xuất Mỹ phải đóng cửa do những quy định hạn chế quá mức, trong khi lại cho phép các nhà sản xuất nước ngoài gây ô nhiễm. 

Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, ông Donald Trump đã cam kết sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vì cho rằng hiệp định sẽ khiến nước Mỹ tổn hại hàng nghìn tỷ USD, người lao động mất việc làm và cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và cả lĩnh vực sản xuất cơ khí. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã lập tức thực hiện lời hứa tranh cử. 

Vào ngày 1-6-2017, ông đã tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để bảo vệ nước Mỹ và người dân Mỹ, song sẽ bắt đầu đàm phán lại nhằm mang đến một thỏa thuận công bằng hơn cho nước Mỹ, cho doanh nghiệp, người lao động và người dân Mỹ nói chung.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.