Hệ sinh thái Biển Đông trong phán quyết của PCA

Thứ Bảy, 23/07/2016, 08:49
Tòa trọng tài xác định rằng, việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo gần đây tại 7 cấu trúc tại Trường Sa đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rạn san hô và Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Điều 192 và 194 của UNCLOS.

Ngoài việc bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông, trong phán quyết ra ngày 12-7, Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc còn dành một phần không nhỏ để nói về những hành động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông, nhất là hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo, gây ra sự hủy hoại lâu dài và nghiêm trọng với môi trường biển ở Biển Đông.

Tại chuyên mục nêu về phán quyết của tòa liên quan đến nội dung khởi kiện thực chất của Philippines, Tòa trọng tài đã nhắc đến việc hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông như xây đảo nhân tạo, ngăn ngư dân nước láng giềng Philippines đánh cá ở ngư trường truyền thống hoặc tại các vùng biển tranh chấp.

Các hình ảnh vệ tinh đã chỉ ra việc hệ sinh thái biển ở Biển Đông bị hủy hoại bởi những hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc. Ảnh: Digital Globe

Phần cuối của chuyên mục này, Tòa trọng tài cho biết các thẩm phán cũng đã xem xét tác động của các hành vi của Trung Quốc đối với môi trường biển. Để làm việc này, Tòa trọng tài đã có sự trợ giúp của 3 chuyên gia độc lập về sinh học của rạn san hô được chỉ định để đánh giá các chứng cứ khoa học có được và các báo cáo của chuyên gia của Philippines.

Tòa trọng tài xác định rằng, việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo gần đây tại 7 cấu trúc tại Trường Sa đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rạn san hô và Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Điều 192 và 194 của UNCLOS trong việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển đối với các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sinh sống của các loài động vật bị đe dọa, sắp cạn kiệt.

Đồng thời, Tòa trọng tài cũng xác định rằng ngư dân Trung Quốc đã thực hiện việc khai thác động vật bị đe dọa như rùa biển, san hô và trai khổng lồ ở quy mô lớn tại Biển Đông, sử dụng các biện pháp gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường rạn san hô; khẳng định, chính quyền Trung Quốc đã nhận thức được các hành vi này và không thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng theo UNCLOS để ngăn chặn.

Đáng chú ý, trước khi Tòa trọng tài đưa ra tuyên bố này, nhiều học giả, các nhà sinh học biển, các nhà hoạt động về môi trường đã không ít lần đưa ra những cảnh báo về việc Trung Quốc hủy hoại hệ sinh thái biển ở Biển Đông.

Đặc biệt, hồi tháng 5, tại hội thảo mang tên “An ninh môi trường: Thử thách tại Biển Đông” diễn ra tại Trung tâm Đông Tây ở Mỹ, học giả James W.Borton, giảng viên Viện Walker, Đại học South Carolina còn cảnh báo, nếu các hoạt động của Trung Quốc không được chấm dứt, toàn bộ hệ sinh thái Biển Đông sẽ đứng trước nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn.

Bổ sung cho lập luận của học giả James W.Borton, GS về sinh thái và sinh học biển John McManus đến từ Đại học Miami đã chứng minh rằng, việc Trung Quốc dùng tàu thuyền khai thác trai, nạo vét cảng, bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo, đánh bắt cá tận diệt đe dọa nghiêm trọng tới môi trường sinh thái và các nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông. Các số liệu thống kê cho thấy, nửa cuối năm 2015, Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp hơn 13km2, hủy hoại nhiều rạn san hô tại Biển Đông và đe dọa làm tuyệt chủng nhiều loại sinh vật quý tại vùng biển này. GS John McManus cũng cho biết là ngay cả các nhà nghiên cứu người Trung Quốc cũng đã thừa nhận rằng, có khoảng 80% số rạn san hô đang bị suy giảm.

Là người đã nghiên cứu về sự hình thành của những rạn san hô tại Biển Đông từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, từng trực tiếp đặt chân tới Trường Sa và tiến hành các hoạt động nghiên cứu dưới nước, GS John McManus khuyến cáo rằng, có những núi san hô đã chết tại đây và “các khu vực rạn san hô còn sót lại sẽ bị hủy hoại nếu như cát và bùn từ các đảo nhân tạo rò rỉ ra và bao phủ lên chúng, san hô sẽ bị hủy hoại giống như những gì đang xảy ra xung quanh những chiếc tàu nạo vét của Trung Quốc. Phải mất cả nghìn năm để hình thành được một mét đất cát, phù sa quanh các rạn san hô, tuy nhiên việc tôn tạo đã làm vĩnh viễn mất đi điều này”.

Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng cho rằng các hoạt động tôn tạo của Trung Quốc đang làm cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản của Việt Nam và Philippines, hoạt động này cũng trực tiếp vi phạm UNCLOS.

Được biết, không chỉ cảnh báo về nguy cơ tàn phá hệ sinh thái ở Biển Đông, hồi tháng 10 năm ngoái, một tổ chức phi chính phủ đã đệ đơn lên LHQ và Chương trình môi trường LHQ (UNEP) yêu cầu điều tra hoạt động cải tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, gây tác động tiêu cực đối với các nguồn tài nguyên biển.

Trong thư gửi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Giám đốc điều hành UNEP Achim Steiner, ông Roile Golez, nguyên Cố vấn an ninh quốc gia Philippines đã kêu gọi các cơ quan trên "điều tra và có hành động thích hợp" đối với hoạt động cải tạo của Trung Quốc đã "hủy diệt các rạn san hô ở Biển Đông.

Ông Roile Golez  đã trích dẫn Công ước quốc tế về đánh bắt cá và bảo tồn tài nguyên sinh vật biển cùng Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) được các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra mới đây để làm căn cứ cho những khiếu nại của tổ chức này.

Tòa trọng tài ghi nhận nhiều rạn san hô tại Biển Đông đã bị thay đổi nặng nề

Theo Điều 13 và 121 của UNCLOS, các cấu trúc nổi trên mặt nước vào lúc thủy triều lên cao sẽ ít nhất được hưởng lãnh hải 12 hải lý, trong khi những cấu trúc bị chìm khi thủy triều lên sẽ không có quyền có các vùng biển. Tòa trọng tài ghi nhận rằng, nhiều rạn san hô tại Biển Đông đã bị thay đổi nặng nề do việc cải tạo và xây dựng đảo gần đây và nhắc lại rằng UNCLOS phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của nó. Tòa trọng tài đã chỉ định một chuyên gia thủy văn học để hỗ trợ Tòa trong việc đánh giá các bằng chứng kỹ thuật của Philippines và dựa chủ yếu vào các tài liệu lưu trữ và các đánh giá thủy văn trước đây để đánh giá các cấu trúc này.  (trích từ Thông cáo báo chí của tòa PCA)


Huyền Chi
.
.
.