Sự kiện và suy ngẫm: Bên lề PCA

Thứ Sáu, 22/07/2016, 09:25
Ta hãy lẩy ra câu chuyện liên quan tới cái gọi là “đường chín đoạn” mà theo ngôn từ dân dã được gọi là “đường lưỡi bò” suốt từ năm 1957 tới nay tồn tại đơn phương hết sức phi lý, “liếm” hầu như toàn bộ Biển Đông.

Sau khi Tòa án trọng tài thường trực (PCA) hình thành và hoạt động theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với những hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông, chính giới, các nhà khoa học và các phương tiện truyền thông cả “bên nguyên” là Philippines lẫn “bên bị” là Trung Quốc cũng như các nước trên thế giới đồng loạt đưa ra vô vàn tuyên bố, bình luận.

Điều đó cũng dễ hiểu vì đây là lần đầu tiên một cơ quan pháp lý quốc tế chính thức ra phán quyết về những rắc rối ở một khu vực trọng yếu của thế giới là Biển Đông. Hơn thế nữa, bản phán quyết lại liên quan tới một nước lớn là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đầy quyền uy.

Nhiều người đi sâu phân tích xem ai thắng, ai thua. Điều đó là tự nhiên khi người ta xem xét kết quả một vụ kiện. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bên thắng cuộc lớn nhất là công lý, là lẽ phải chứ không phải nước nọ, nước kia.

Dân Philippines mừng phán quyết hôm 12-7. Ảnh: Reuters

Ta hãy lẩy ra câu chuyện liên quan tới cái gọi là “đường chín đoạn” mà theo ngôn từ dân dã được gọi là “đường lưỡi bò” suốt từ năm 1957 tới nay tồn tại đơn phương hết sức phi lý, “liếm” hầu như toàn bộ Biển Đông.

Nay hiện tượng hoang đường này đã được đặt đúng chỗ khi PCA long trọng kết luận: không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía trong “đường chín đoạn”.

“Đường lưỡi bò” chẳng những liên quan tới các nước nằm ven Biển Đông mà còn ảnh hưởng tới tất cả các nước trong khu vực, thậm chí tới toàn thế giới nếu tính rằng các tuyến đường hàng hải và hàng không sôi động hàng đầu thế giới đi qua đây. Xem như vậy thì phán quyết này là thắng lợi của công lý, của lẽ phải chứ đâu chỉ là thắng lợi của Philippines và sự thua kiện của Trung Quốc?

 “Nói phải củ cải cũng nghe”. Cả thế giới đều hoan nghênh những phán quyết thượng tôn pháp luật; ngay trong số những nước được “bên bị” xếp vào hàng ủng hộ mình cũng không thấy ai công khai bác bỏ nội dung phán quyết. Nay cả thế giới đều dồn mắt vào “bên bị” để xem phản ứng của họ thế nào.

Tiếc rằng, họ khăng khăng không chấp nhận lẽ phải, vẫn đeo đẳng những yêu sách vô lý, lộn sòng “nhân – quả”, “thật – giả”, hơn thế nữa liên tục đưa ra những tuyên bố sát khí đằng đằng, thậm chí đe dọa thiết lập Vùng nhận dạng hàng không (ADIZ) trên Biển Đông!

Cách hành xử thiếu quân tử như vậy lợi bất cập hại. Nó phá hoại uy tín của một nước lớn đầy quyền uy, làm cho thiên hạ chẳng còn tin vào những lời hoa mỹ về ý nguyện “trỗi dậy hòa bình”, “tôn trọng pháp lý”, “đàm phán hòa bình”, “phản đối cường quyền”, “mục lân, an lân, phú lân” (đại ý: thân thiện với láng giềng, hòa hiếu với láng giềng và làm giầu cùng láng giềng)…

Cách hành xử như vậy càng hâm nóng sự căng thẳng trong khu vực, chẳng có lợi gì cho xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của tất cả các nước ven bờ Tây Thái Bình Dương.

Cách hành xử như vậy vô hình chung thúc đẩy các nước trong khu vực tìm kiếm mối quan hệ quốc tế khác, càng khuyến khích những tâm tư, biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

Một điều gây hy vọng đối với bàn dân thiên hạ là cụm từ “thông qua đàm phán để giải quyết bất đồng” được nhắc đến với tần suất cao. Nếu những tuyên bố loại này được thực hiện trên thực tế thì sẽ là đại hồng phúc cho mọi nước liên quan, cho khu vực và cho cả thế gian.

Muốn vậy, việc cần thiết lúc này là tạo dựng môi trường thuận lợi cho đàm phán, không khí tin cậy giữa các bên. Những tuyên bố hùng hổ, những hành vi diễn võ, giương oai không thể tạo ra môi trường thích hợp để nói chuyện. Và nữa, đi vào đàm phán phải dựa trên cơ sở nào chứ?

Cơ sở ấy chỉ có thể là các quy định của pháp lý quốc tế, trong đó nổi lên là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Phán quyết của PCA nằm trong khuôn khổ này, vậy có nên sử dụng nó làm một trong những cơ sở đàm phán chăng? Trên Biển Đông tồn tại một loạt vấn đề.

Điều hiển nhiên là việc gì liên quan chỉ tới hai nước thì hai nước đàm phán; việc gì liên quan tới nhiều nước thì phải có sự tham gia của tất cả các bên chứ làm sao có thể loại ai ra được? Không có những điều sơ đẳng như vậy thì e rằng, sẽ nảy sinh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”, chẳng đem lại điều gì hữu ích và khu vực tiếp tục là “con tin” của tình trạng tranh chấp, đối đầu.

Diệu Cầm
.
.
.