Hàng nghìn người Myanmar kêu gọi tổng đình công bất chấp bị đàn áp

Thứ Hai, 22/02/2021, 09:21
Những người phản đối cuộc đảo chính quân sự của Myanmar đã kêu gọi một cuộc tổng đình công và nhiều cuộc biểu tình đường phố hơn, sau khi chính quyền đe dọa rằng các cuộc đối đầu có thể phải trả giá bằng mạng sống, Reuters ngày 22/2 đưa tin. 

Mặc dù đã triển khai thêm lực lượng và hứa sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới, quân đội Myanmar đã không thể ngăn chặn được các cuộc biểu tình hàng ngày kéo dài trong hơn hai tuần qua và phong trào bất tuân dân sự ngày càng dâng cao trong người dân, phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2 và yêu cầu trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi.

Reuter đưa tin, nhà hoạt động thanh niên hàng đầu Myanmar Maung Saungkha hôm 22/2 đã kêu gọi những người khác tiếp tục tham gia cuộc tổng đình công lớn và các cuộc biểu tình, trong bối cảnh đã có nhân chứng lên tiếng tố cáo cảnh sát dùng đạn thật bắn vào những người phản đối đảo chính. 

Người dân Myanmar kêu gọi cuộc tổng đình công và biểu tình quy mô lớn trong ngày 22/2. Ảnh: TG

Ít nhất ba người biểu tình Myanmar đã thiệt mạng, sau khi một thanh niên và một thiếu niên chết vì trúng đạn ở thành phố Mandalay hồi cuối tuần qua. Quân đội cho biết một cảnh sát đã tử vong vì bị thương trong các cuộc biểu tình. 

Một người biểu tình 23 tuổi có biệt danh Hla kể lại, cảnh sát hứa sẽ rút lui nếu đám đông giải tán, nhưng khi đám đông rời đi, cảnh sát lại sử dụng dùi cui tấn công người biểu tình và phun hơi cay vào các tòa nhà. Trong lúc lánh nạn, Hla nhìn thấy một người đàn ông bị bắn vào bụng và đầu gối. 

“Viên đạn xuyên thẳng và tôi có thể nhìn thấy dây chằng của anh ấy”, cô nói, kể thêm rằng lực lượng an ninh cũng bắn vào các xe cứu thương khi những người biểu tình bị thương đang được các tình nguyện viên y tế đưa đi.

"Có rất nhiều máu, mọi người giơ tay để kêu gọi cảnh sát ngừng bắn nhưng không có tác dụng. Tôi phải trốn chạy để bảo toàn tính mạng", cô kể lại.

Quân đội dùng rào chắn chặn các con đường và khu vực mà người dân biểu tình. Ảnh: Reuters

Song, những phản ứng từ phía quân đội, và cái chết của những người biểu tình ở Mandalay vẫn không làm nguội đi phong trào bất tuân dân sự, khi hàng chục nghìn người dân vẫn đổ ra đường tại Mandalay cũng như Yangon tham gia biểu tình.

Truyền hình nhà nước MRTV hôm 21/2 cảnh báo những người biểu tình sẽ tiếp tục có các hành động mạnh mẽ hơn chống lại chính quyền quân sự: “Những người biểu tình hiện đang kích động mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên dễ bị tác động, đẩy họ đến con đường đối đầu mà có thể sẽ phải trả giá bằng mạng sống".

Bộ Ngoại giao Myanmar cho biết trong một tuyên bố rằng chính quyền đã "thực hiện các biện pháp kiềm chế tối đa", đồng thời lên án một số quốc gia vì "can thiệp trắng trợn" vào công việc nội bộ của Myanmar.

Trước đó, một số nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính và chỉ trích hành vi bạo lực chống lại những người biểu tình. Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Anh và Đức cũng đã lên án tình trạng bạo lực tại Myanmar. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng vũ lực gây chết người là không thể chấp nhận được.

Người dân ở Yangon cho biết đường đến một số đại sứ quán, bao gồm cả đại sứ quán Mỹ, đã bị chặn vào sáng 22/2. Theo Reuters, các cơ quan đại diện ngoại giao đã trở thành điểm tập trung của những người biểu tình nhằm kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị của Myanmar cho biết, cho đến nay, 640 người đã bị bắt, buộc tội hoặc kết án kể từ khi đảo chính xảy ra, bao gồm cả các thành viên cũ của chính phủ và những người chống đối quân đội tiếp quản.

An Nhiên
.
.
.