Hàng loạt bộ trưởng Myanmar bị sa thải sau chính biến
Reuters dẫn tin từ truyền hình quân đội Myanmar cho biết, chính quyền quân sự nước này quyết định cách chức 24 bộ trưởng và thứ trưởng, đồng thời công bố danh sách 11 người được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo các bộ gồm Tài chính, Y tế, Thông tin, Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ và Biên phòng.
Động thái trên diễn ra sau cuộc đột kích vào rạng sáng 1/2, khi quân đội Myanmar tiến hành đảo chính, bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar, nhằm đối phó với cáo buộc gian lận bầu cử trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2020.
Sau chính biến, chính quyền quân sự Myanmar chỉ định 11 người thay thế các bộ trưởng và thứ trưởng. Ảnh: AP. |
Hiện tại, quân đội Myanmar đã kích hoạt tình trạng khẩn cấp trong một năm và quyền lãnh đạo đất nước được chuyển cho Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar.
Trong một thông cáo đăng tải trên facebook, quân đội Myanmar nêu rõ: "Chúng tôi sẽ thực hiện nền dân chủ thật sự... với sự cân bằng và công bằng đầy đủ. Quyền lực sẽ được chuyển giao sau khi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử tự do, công bằng và kết thúc giai đoạn áp dụng tình trạng khẩn cấp".
Người Myanmar tại Tokyo biểu tình phản đối đảo chính tại quê hương. Ảnh: Reuters. |
Được biết, hơn 1.000 người Myanmar ở Bangkok (Thái Lan) và Tokyo (Nhật Bản) đã cầm chân dung bà Aung San Suu Kyi, đổ ra đường phố để phản đối cuộc đảo chính bất ngờ của quân đội.
Cụ thể, theo thông tin từ Reuters thì hơn 800 người biểu tình đeo khẩu trang, đã cầm cờ tập trung bên ngoài Đại học Liên Hợp Quốc ở trung tâm thủ đô Tokyo để kêu gọi tổ chức quốc tế này tiếp tục lên án hành động của quân đội Myanmar.
Ngoài ra, ít nhất 200 người Thái Lan và Myanmar tập trung biểu tình trước đại sứ quán Myanmar ở thủ đô Bangkok. Cảnh sát Thái Lan phải triển khai lực lượng chống bạo động để đối phó với những hành động quá khích.