Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên trở lại bàn đối thoại

Thứ Sáu, 11/08/2017, 09:20
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 10-8 đã kêu gọi Triều Tiên ngừng ngay việc đưa ra những lời lẽ đe dọa chiến tranh, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi Bình Nhưỡng hồi đáp đề nghị đối thoại nhằm làm dịu tình trạng căng thẳng hiện nay trong khu vực.


Những lời lẽ đe dọa gần đây của CHDCND Tiều Tiên đã đi quá xa và hoàn toàn đi ngược lại với nội dung của tuyên bố được công bố tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

Lời kêu gọi của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc được đưa ra ngay sau khi Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) sáng cùng ngày thông báo kế hoạch chi tiết về việc tấn công 4 tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào hòn đảo Guam - vùng lãnh thổ Thái Bình Dương của Mỹ -  vào giữa tháng 8 này.

Theo KCNA, kế hoạch này sẽ được đệ trình nhà lãnh đạo Kim Jong-un để đưa ra quyết định cuối cùng. Cũng liên quan tới vấn đề này, ông Sebastian Gorka, Phó Trợ lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 10-8 tuyên bố Washington sẽ sử dụng “mọi biện pháp thích hợp” để bảo vệ nước này trước các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Gorka cho biết Mỹ sẽ không tiết lộ về những kế hoạch tương lai hay cách thức phản ứng của nước này. Trong khi đó, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nước này đã chuẩn bị cho kế hoạch tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng trong trường hợp Tổng thống Trump ra lệnh.

Người dân CHDCND Triều Tiên tụ hội tại quảng trường ở thủ đô Bình Nhưỡng, thể hiện sự thách thức sau lời cảnh báo sẽ “lửa cháy và thịnh nộ” của Tổng thống Trump.

Mặc dù vậy, Hải quân Mỹ vẫn chưa có kế hoạch nào về việc triển khai thêm một chiếc tàu sân bay tới khu vực này. Đồng minh của Mỹ, Nhật Bản, cùng ngày khẳng định “có thể không bao giờ khoan dung” cho những hành động khiêu khích của Triều Tiên sau khi quân đội nước này tuyên bố đang hoàn tất một kế hoạch bắn những tên lửa tới đảo Guam mà sẽ bay qua Nhật Bản.

Tokyo nhấn mạnh, các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng rõ ràng đã khiêu khích tới khu vực, trong đó có Nhật Bản, cũng như tới an ninh của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản mạnh mẽ hối thúc CHDCND Triều Tiên nghiêm túc chấp hành những cảnh báo và chỉ trích mạnh mẽ đã được lặp lại nhiều lần và tôn trọng trong một loạt nghị quyết của Liên hợp quốc, đồng thời kiềm chế không có thêm những hành động khiêu khích.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cũng tuyên bố Tokyo được phép chặn tên lửa do CHDCND Triều Tiên phóng tới Guam nếu tên lửa này được đánh giá là một mối đe dọa ảnh hưởng tới nước này. Nhưng giới chuyên gia lại cho rằng, Nhật Bản hiện nay không có khả năng bắn hạ tên lửa bay qua lãnh thổ nước này tới Guam.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Thống đốc Guam, ông Eddie Calvo, đã bác bỏ tuyên bố của CHDCND Triều Tiên rằng Bình Nhưỡng sẽ hoàn thiện kế hoạch vào giữa tháng 8 tới để tấn công tên lửa nhằm vào hòn đảo thuộc lãnh thổ Mỹ này, coi đó là “biểu hiện của sợ hãi” và khẳng định không có mối đe dọa gia tăng nào.

Thống đốc Calvo khẳng định, lá chắn phòng thủ đã được triển khai bao quát toàn bộ Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều cơ sở hải quân nằm giữa Bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và Guam cũng như một hệ thống phòng thủ tên lửa tại Guam tạo thành mạng lưới phòng thủ đa cấp độ. Do đó, dựa trên tình hình thực tế, không cần phải có bất kỳ quan ngại nào về mức độ đe dọa leo thang.

Một đồng minh khác của Mỹ là Australia trong ngày 10-8 tuyên bố nước này sẽ không tự động bị kéo vào bất kỳ cuộc xung đột nào có thể xảy ra giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ, bất chấp việc Canberra và Washington đã ký một thỏa thuận quân sự Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết, mặc dù Australia và Mỹ đang tiến hành các cuộc thảo luận liên tục về vấn đề Triều Tiên song Canberra không bắt buộc bị kéo vào xung đột, thay vào đó, Australia sẽ “tham vấn” Mỹ trước khi cân nhắc bất kỳ hành động nào.

Trong khi cả thế giới đổ dồn sự chú ý vào vấn đề Triều Tiên, giới chuyên gia cảnh báo Nhà Trắng cần để ý tới cả Iran. Theo đó, mối quan ngại nằm ở chỗ Tehran sẽ nhận ra nếu Bình Nhưỡng có thể xoay xở với việc chế tạo vũ khí hạt nhân bất chấp sự phản đối của Washington, thì Iran cũng có thể làm được điều tương tự.

Chuyên gia Matt Levitt tới từ Viện Nghiên cứu Chính sách Cận đông có trụ sở tại Washington tin rằng, những bước tiến mà CHDCND Triều Tiên đạt được có thể khiến Iran cố gắng trở thành cường quốc hạt nhân tiếp theo. Chuyên gia Levitt còn tỏ ra thận trọng khi cho rằng, khủng hoảng Triều Tiên và tình hình tại Iran không hoàn toàn tương tự nhau, bởi “Iran không phải là một nền kinh tế đóng bị cộng đồng quốc tế hoàn toàn cấm vận, còn Triều Tiên gần như là như vậy”.

Trái ngược lại quan điểm này, cựu đại sứ Mỹ tại Ai Cập dưới thời chính quyền Tổng thống Bill Clinton, ông Ed Walker nhận định, điều quan trọng hiện nay là chính quyền ông Trump cần tập trung song song cả hai vấn đề: “Ngay khi bạn lơ là các nỗ lực của Mỹ để kiềm chế Iran thì nước này sẽ có đủ sự tự do để theo đuổi chương trình hạt nhân của mình”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.