Hai nửa bán cầu gồng mình đón siêu bão lịch sử
- Dân Mỹ đắp cát, "vét siêu thị" chuẩn bị đón siêu bão Florence
- 1 triệu người Mỹ phải sơ tán trước thềm siêu bão Florence
Hàng triệu người dân trên thế giới đang "nín thở" trước hai siêu bão được đánh giá là mạnh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Mỹ dốc toàn lực ứng phó với siêu bão Florence
Trung tâm Bão quốc gia Mỹ dự báo Florence sẽ là 1 trong 10 cơn bão gây thiệt hại lớn nhất tại Mỹ, ước tính lên tới 60 tỷ USD. Với sức gió 155km/giờ tính đến trưa ngày 14-9 (giờ Việt Nam), cơn bão Florence đã suy yếu xuống cấp 1 trong thang bão gồm 5 cấp Saffir-Simpson, song vẫn được cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Mỹ cảnh báo là cơn bão vô cùng nguy hiểm, có khả năng tàn phá lớn, gây ra lũ lụt nghiêm trọng khi nó đổ bộ vào khu vực bờ biển phía Đông.
Những thiệt hại do hai siêu bão gây ra dự kiến sẽ rất nghiêm trọng. Ảnh: AP |
Theo chuyên gia khí tượng Steve Goldstein, dựa trên tốc độ di chuyển như hiện nay, mắt bão có thể đổ bộ vào đất liền nước Mỹ khoảng chiều tối 14-9 hoặc rạng sáng 15-9 (giờ địa phương) gần đường ranh giới giữa hai bang North và South Carolina, với đường đi rất khó dự đoán.
Trước những dự cảm không lành về cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong gần 30 năm qua tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu chính phủ Mỹ sẵn sàng đối phó với bão, đồng thời tuyên bố chính phủ liên bang sẽ không ngần ngại cấp mọi kinh phí cần thiết để ứng phó với những thiệt hại do bão Florence gây ra.
Chính quyền 5 bang duyên hải nước Mỹ gồm North Carolina, South Carolina, Georgia, Maryland và Virginia cùng khu vực thủ đô Washington đã ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với bão và tiến hành các biện pháp phòng hộ nhằm đảm bảo tính mạng cho người dân.
Khoảng 1.7 triệu người ở các bang đã được sơ tán đến nơi an toàn, hơn 1.200 chuyến bay buộc phải hủy. Hàng nghìn nhân viên cứu hộ đã được điều động từ các bang khác tới các khu vực dự báo bị ảnh hưởng bởi bão để hỗ trợ cứu nạn. Thậm chí, chính quyền Mỹ đang cân nhắc sử dụng hệ thống đê chắn lũ lần đầu tiên để bảo vệ Nhà Trắng và các khu vực lân cận.
Trưa 14-9 (theo giờ Việt Nam), cơn bão Florence đã tiến dọc bờ biển các bang North và South Carolina, Mỹ mang theo mưa lớn và gió giật mạnh, gây ra tình trạng ngập lụt và mất điện trên diện rộng tại nhiều khu vực, khiến hơn 5,5 triệu người dân bị ảnh hưởng.
Thống đốc bang North Carolina Roy Cooper kêu gọi người dân nêu cao nhận thức về mối đe dọa của cơn bão, với thông điệp: "Đừng thư giãn, đừng mất cảnh giác. Hãy cẩn thận. Đây là một cơn bão mạnh có thể giết người".
Châu Á sẵn sàng đương đầu với siêu bão Mangkhut
Hình thành trên vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, siêu bão Mangkhut dự kiến sẽ đổ bộ lên hòn đảo Luzon, Philippines vào ngày 15-9 với sức gió có thể lên đến 250km/h, tương đương với bão cấp 5 - mức cao nhất trong thang bão Saffir-Simpson.
Nhà khí tượng học Brandon Miller nhận định: "Florence gần như chắc chắn sẽ trở thành một "cơn bão gây thiệt hại" nhưng Mangkhut là mối đe dọa nghiêm trọng hơn với sinh mạng khi tấn công với gió mạnh hơn, trên một diện tích lớn hơn và có lượng nước dâng do bão lớn hơn".
Theo The Guardian, Mangkhut là cơn bão mạnh nhất từng đe dọa Philippines trong năm nay và được dự đoán mạnh tương đương siêu bão Hải Yến từng khiến 6.300 người Philippines thiệt mạng năm 2013.
Giới chức Philippines cho hay, khoảng 10 triệu người dân nước này nằm trên đường đi của bão Mangkhut sẽ bị ảnh hưởng.
Trưa 13-9, Tổng thống Rodrigo Duterte đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận kế hoạch đối phó cơn bão sắp đến. Lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét là những lo ngại hàng đầu của chính quyền Philippines trong đợt mưa bão này, với những nghi ngại Mangkhut có thể gây ra cột sóng cao tới 7m.
16 tỉnh thành dọc khu vực Luzon, Philippines và quần đảo Visayas đã được ban hành cảnh báo bão nhiệt đới.
Trưởng cơ quan phòng vệ dân sự Philippines Ricardo Jalad cảnh báo, siêu bão Mangkhut sẽ đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Cagayan phía Bắc Philippines, nơi đang có hơn 4 triệu người dân sinh sống.
Ông Manuel Mamba, thống đốc tỉnh Cagayan cho biết, khoảng 1.2 triệu cư dân ở các làng ven biển và các đảo tại phía Bắc đã được sơ tán từ ngày 13-9. Tất cả các trường học và văn phòng trong địa bàn đều đã được đóng cửa, ngoại trừ các trung tâm đặc biệt hỗ trợ cứu hộ cứu nạn.
Các lực lượng tìm kiếm và cứu nạn, đội phản ứng nhanh, những đơn vị chuyên trách về hậu cần và vệ sinh dịch tễ cũng như lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ nhân đạo tại Philippines đều được yêu cầu trong tình trạng sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ.
Sau khi tràn qua Philippines, siêu bão Mangkhut được dự báo sẽ di chuyển với tốc độ nhanh hướng đến Hong Kong và miền nam Trung Quốc và có thể sẽ là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử mà Hong Kong từng hứng chịu, theo CNN.
Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã triệu tập một cuộc họp liên ngành để lên kế hoạch ứng phó với bão Mangkhut, đồng thời khuyến cáo người dân dự trữ thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết trước siêu bão khó lường