Gói cứu trợ 1.800 tỷ USD và cuộc bầu cử Mỹ
- Tổng thống Donald Trump bị COVID-19 và cục diện bầu cử Mỹ
- Bầu cử Mỹ 2020: Nóng phiên tranh luận trực tiếp đầu tiên
- Trung Quốc bác nghi án can thiệp bầu cử Mỹ
Tại phiêp họp trực tuyến ngày 10/10 (giờ địa phương) với Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, một số Thượng nghị sĩ Cộng hòa cho biết họ không ủng hộ việc thông qua một dự luật về gói cứu trợ mới quy mô lớn. Ông Mark Meadows hứa sẽ nêu quan ngại của những nghị sĩ này tới Tổng thống Donald Trump. Gói đề xuất của Nhà Trắng có quy mô 1.800 tỷ USD, giảm 400 tỷ USD mà phe Dân chủ đưa ra. Phản ứng của các nghị sĩ Cộng hòa gây thêm khó khăn cho nỗ lực của Nhà Trắng muốn đạt thỏa thuận với phe Dân chủ.
Trước thời điểm ngày 9/10, ông Steven Mnuchin phát tín hiệu chính quyền có thể chấp nhận gói cứu trợ giá trị khoảng 1.600 tỷ USD. Nhưng ngay “mức trung tính” này vẫn bị một bộ phận Thượng nghị trong đảng Cộng hòa phản đối. Số này tháng trước vận động thông qua gói hỗ trợ kinh tế 650 tỷ USD mà thôi. Trong khi đó, đảng Dân chủ thể hiện quan điểm nước đôi trước ý tưởng của Nhà Trắng.
Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ, khiến hàng chục triệu người lao động mất việc và GDP đã lao dốc 31,7% trong quý II vừa qua. |
Trong lá thư gửi tới Hạ viện đề ngày 10/10, bà Nancy Pelosi nói rằng đề xuất mới thực chất là “một bước tiến, hai bước lùi”. Chủ tịch Hạ viện khẳng định tại thời điểm hiện nay còn có bất đồng giữa hai bên về nhiều vấn đề ưu tiên trong gói cứu trợ. Bà cho biết các nghị sĩ Dân chủ vẫn sẽ chờ cầu trả lời rõ ràng từ chính quyền về một số điều khoản trong khi vẫn mở cánh cửa đàm phán.
Trên thực tế, giới quan sát cũng cho rằng, nếu không có giải pháp nhanh chóng, Quốc hội Mỹ sẽ không thể thông qua dự luật cứu trợ mới trước ngày diễn ra bầu cử Tổng thống 3/11 tới.
Trong một cuộc họp báo hôm 9/10, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell nêu rõ: “Chúng tôi cần thêm một gói cứu trợ nữa, song ngày bầu cử đã cận kề, trong khi đó những bất đồng quan điểm về những điều khoản cần thiết tại thời điểm đặc thù này là khá lớn”.
Quan chức này cũng nhấn mạnh, mặc dù ông muốn chứng kiến các nghị sĩ vượt qua mọi bất đồng để thông qua “một gói cứu trợ cuối cùng”, song ông cho rằng điều này khó có thể đạt được trong 3 tuần tới.
Bà Nancy Pelosi hồi tuần trước cho biết bà rất có thiện chí về dự luật cứu trợ riêng cho các hãng hàng không, hoặc một phần của một dự luật lớn hơn, song khẳng định Quốc hội nước này sẽ không thông qua gói cứu trợ “riêng” cho các hãng hàng không Mỹ nếu không có sự đảm bảo rằng Nhà Trắng và phe Cộng hòa sẽ ủng hộ một gói kích thích kinh tế rộng lớn hơn để khắc phục hậu quả do dịch COVID-19.
Các chuyên gia kinh tế nhận định gói cứu trợ nhất này của Chính phủ Mỹ có ý nghĩa quan trọng khi hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì nhân viên, ngăn chặn làn sóng công ty phá sản và đảm bảo hỗ trợ người lao động mất việc làm. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thúc giục các nước duy trì các biện pháp chi tiêu để vực dậy nền kinh tế chịu tác động của đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu người lao động Mỹ mất việc và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã lao dốc 31,7% trong quý II vừa qua khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn đà virus SARS-CoV-2 lây lan.
Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật CARES nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đã hết hạn và cần thêm một gói cứu trợ mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.
Mặc dù nhận định nền kinh tế đang tự phục hồi “mạnh mẽ” và có thể không cần thêm gói kích thích mới, song Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng một gói hỗ trợ với mục tiêu hướng tới những đối tượng cụ thể sẽ là một công cụ “trợ giúp đắc lực” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Có quan điểm tương đồng, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nhận định, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi “nhanh hơn và mạnh mẽ hơn” sau đợt suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra nếu có thêm sự hỗ trợ của chính phủ nhằm ngăn chặn sự gia tăng số việc làm bị mất.
Phát biểu tại một buổi hội thảo của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE) tổ chức hồi tuần trước, ông cảnh báo rằng tốc độ phục hồi chậm chạp kéo dài của nền kinh tế đầu tàu thế giới có thể kích hoạt những yếu tố thúc đẩy một đợt suy thoái điển hình.
Theo người đứng đầu FED, chu trình phục hồi kinh tế chậm chạp và kéo dài có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã hiện hữu trong nền kinh tế Mỹ. Ông lưu ý rằng các biện pháp chính sách tiền tệ và tài chính của Mỹ cho tới nay “đã kiềm chế đáng kể” các “động lực suy thoá” thông thường vốn xảy ra trong một cuộc suy thoái, song nếu không có thêm sự hỗ trợ, những xu hướng đi xuống vẫn có thể trỗi dậy.
Theo thời gian, tình trạng vỡ nợ hộ gia đình và phá sản doanh nghiệp sẽ gia tăng, làm tổn hại năng lực sản xuất của nền kinh tế và kìm hãm việc tăng lương. Do đó, ông kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần tăng cường hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do đại dịch.
Ông nêu rõ: “Tốc độ phục hồi kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn và nhanh hơn nếu chính sách tiền tệ và tài chính tiếp tục song hành để hỗ trợ nền kinh tế cho tới khi thoát khỏi hiểm nguy”.