Gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Thứ Hai, 22/06/2020, 07:12
Bên cạnh tuyên bố “không có ý định xem xét lại hoặc thay đổi kế hoạch rải truyền đơn có nội dung chống Hàn Quốc qua biên giới”, CHDCND Triều Tiên tiếp tục điều các nhóm nhỏ binh sỹ tới các trạm gác biên giới để phát quang bụi rậm và bảo trì đường sá. Những động thái này đang khiến cho tình hình trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục “dậy sóng”.


Căng thẳng tiếp tục leo thang

Hôm 21/6, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin chính phủ giấu tên cho hay, Triều Tiên tiếp tục điều các nhóm nhỏ binh sỹ tới các trạm gác biên giới để phát quang bụi rậm và bảo trì đường sá, trong bối cảnh có những quan ngại Bình Nhưỡng có thể thực hiện lời đe dọa đưa ra hành động quân sự chống Hàn Quốc.

Nguồn tin cho hay Triều Tiên đã điều các nhóm lên tới 5 binh sỹ cầm theo xẻng và liềm tới các chòi quan sát ở Khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, Seoul không coi động thái này là một bước đi nhằm thực hiện lời đe dọa hành động quân sự của Bình Nhưỡng. Nguồn tin trên nêu rõ: “Các trạm gác và chòi quan sát rõ ràng là cơ sở quân sự. Vì vậy, dĩ nhiên sẽ có những hoạt động quân sự. Tuy nhiên, chúng tôi đang giám sát chặt chẽ những địa điểm này”.

Giới chức quân sự tin rằng, một hoạt động với một lực lượng ít nhất cấp trung đội có thể được coi là một dấu hiệu bất thường cần được đặc biệt lưu tâm. Cũng theo nguồn tin, tới nay vẫn chưa có bất kỳ hoạt động nào bị phát hiện liên quan tới việc khôi phục lại các trạm gác được dỡ bỏ theo Thỏa thuận quân sự toàn diện giữa hai miền Triều Tiên, được ký hồi tháng 9/2018 nhằm xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau và giảm căng thẳng biên giới.

Binh sĩ Hàn Quốc làm nhiệm vụ tại một điểm kiểm tra an ninh gần khu công nghiệp chung Kaesong.

Trước đó cùng ngày, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Mặt trận thống nhất (UFD) của Triều Tiên cho biết, nước này không có ý định xem xét lại hoặc thay đổi kế hoạch rải truyền đơn có nội dung chống Hàn Quốc qua biên giới. Kế hoạch này được coi là một trong những biện pháp của Triều Tiên nhằm phản đối hoạt động thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới liên Triều thời gian qua.

Cũng theo KCNA, trước đó 1 ngày, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã “bày tỏ lấy làm tiếc” về kế hoạch của Triều Tiên rải truyền đơn qua biên giới liên Triều, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng  rút lại kế hoạch này. Bộ này cho rằng, kế hoạch của Triều Tiên vi phạm Tuyên bố chung Panmunjom được ký kết tại thượng đỉnh liên Triều năm 2018; không giúp giải quyết được những vấn đề giữa hai bên hiện nay mà còn “đổ dầu vào căng thẳng”, đồng thời cũng không có lợi cho tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, KCNA khẳng định Triều Tiên không có ý định xem xét lại kế hoạch này vào thời điểm quan hệ hai miền đã bị phá vỡ. Bình Nhưỡng cũng cho rằng thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều đạt được 2 năm trước đã không còn ý nghĩa. Theo KCNA, Bình Nhưỡng đang in rất nhiều truyền đơn chống Hàn Quốc và chuẩn bị phát tán qua đường biên giới giữa hai miền.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên gia tăng căng thẳng trong những tuần gần đây, khi Bình Nhưỡng nhiều lần chỉ trích Seoul không có hành động ngăn chặn tình trạng thả truyền đơn có nội dung chống Bình Nhưỡng vào lãnh thổ Triều Tiên.

Phản ứng trước sự tức giận đó, Chính phủ Hàn Quốc ngay lập tức đã ban hành lệnh cấm rải tờ rơi chống Bình Nhưỡng và yêu cầu truy tố hình sự 2 nhóm người đào tẩu Triều Tiên tham gia hoạt động này. Phó giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim You-geun khẳng định: “Chính phủ bắt đầu kiểm soát chặt chẽ các hoạt động rải truyền đơn và phản ứng nghiêm khắc với các hành động vi phạm luật pháp.

Hàn Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ tất cả các thỏa thuận đã ký giữa Hàn Quốc và Triều Tiên nhằm duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, ngăn ngừa các cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra”. Tuy nhiên, phía Triều Tiên cho rằng việc làm này là quá muộn.

Sức ép với liên minh Mỹ - Hàn Quốc

Tranh cãi mới nhất giữa hai miền Triều Tiên diễn ra đúng lúc sắp kỷ niệm 20 năm cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai miền. Theo trang mạng japantimes.co.jp, cả Triều Tiên và những người thiên tả ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đều muốn ông khôi phục các mối quan hệ kinh tế vốn đã bị phá vỡ vì những căng thẳng an ninh.

Tuy nhiên, việc làm hài lòng họ cũng đồng nghĩa với việc khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vốn đã nhiều lần bác bỏ những lời kêu gọi của Seoul về việc nới lỏng trừng phạt cho Bình Nhưỡng, tức giận. Mỹ cũng từ chối nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) và các biện pháp khác chống lại Triều Tiên nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un không có những cam kết lớn hơn về việc giải trừ vũ khí.

Ông Woo Won-shik, một nghỹ sỹ cấp cao từng lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Quốc hội Hàn Quốc phát biểu rằng “nhu cầu cấp bách” hiện nay là khôi phục hợp tác liên Triều: “Có rất nhiều dự án liên Triều có thể tiếp tục thực hiện mà không vi phạm cơ chế trừng phạt hiện hành của LHQ”. Ông Woo Won-shik lập luận rằng nếu không hành động ngay thì Triều Tiên sẽ bị cô lập hơn nữa và dẫn tới khả năng quay lại tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” như cách đây 3 năm.

Sau động thái cắt đứt đường dây liên lạc vừa qua, Triều Tiên có thể tiếp tục thực hiện thêm các cuộc thử nghiệm tên lửa, nhưng chắc chắn sẽ tìm cách tránh làm ông Donald Trump giận dữ. Ông Cho Han-bum, một nhà nghiên cứu kỳ cựu của Viện Thống nhất Quốc gia (Hàn Quốc) - một cơ quan tham mưu của nhà nước - nói: “Tiếp theo sẽ là các hành động khiêu khích như phóng tên lửa, nhưng sẽ không nghiêm trọng, Triều Tiên sẽ không thử nghiệm ICBM”.

Nhà nghiên cứu này nói thêm rằng “Hàn Quốc hiểu rõ ràng việc chấm dứt quan hệ liên Triều không phải là điều phía Triều Tiên mong muốn”. Chia sẻ quan điểm này, bà Soo Kim - một nhà phân tích chính trị chuyên về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên của Rand Corp chỉ ra rằng, các thành viên trong nội các của Tổng thống Hàn Quốc đã úp mở rằng Seoul có thể đơn phương hành động để hồi sinh hợp tác liên Triều, nhưng điều này sẽ đi kèm với rủi ro rất lớn là đẩy Seoul ra khỏi liên minh với Washington.

Điều này có thấy qua việc cách đây 2 năm, Hàn Quốc điều các đoàn tàu viện trợ đi qua biên giới tới Triều Tiên, song viện trợ nhân đạo của Seoul cho Bình Nhưỡng đang dần cạn kiệt dưới chiến dịch “sức ép tối đa” của Tổng thống Mỹ.

Về phần mình, ông Duyeon Kim, một cố vấn cấp cao về Đông Nam Á và Chính sách Hạt nhân của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế cho biết, ông Kim Jong-un tin rằng mình không có gì nhiều để mất khi gia tăng sức ép đối với ông Moon Jae-in.

Chuyên gia này nhận định: “Triều Tiên đang gia tăng đặt cược, nỗ lực trừng phạt, đe dọa hơn nữa và buộc Seoul phải làm việc chăm chỉ hơn để đáp ứng những đòi hỏi của Bình Nhưỡng. Ông Kim Jong-un cảm thấy ông đã gắng hết sức để vừa lòng ông Moon Jae-in, nhưng Seoul lại không đền đáp và cũng không gây được ảnh hưởng với Mỹ để buộc Washington thực hiện những hứa hẹn của mình”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.