EU “vừa đấm vừa xoa” Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Tư, 26/07/2017, 10:50

Trong cuộc thảo luận mới đây với đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ tại Brussels, Liên minh châu Âu (EU) vừa bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về căng thẳng chính trị gia tăng của quốc gia này, đồng thời tuyến bố Ankara vẫn là ứng cử viên gia nhập EU.  

Ngày 26-7 theo giờ địa phương, các quan chức cấp cao EU đã có cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Mevluv Cavusoglu và Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu Omer Celik của Thổ Nhĩ Kỳ về những căng thẳng chính trị gần đây của quốc gia này.

Theo đó, trong bối cảnh tiến trình đàm phán về việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị đóng băng, cuộc gặp lần này chưa thể “hạ nhiệt” căng thẳng giữa các nước EU và Ankara, sau một loạt các vụ bắt giữa nhà báo và nhiều nhân vật đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Các quan chức EU và Thổ Nhĩ Kỳ họp báo sau cuộc gặp ở Brussels. Ảnh: Anadolu. 

Trong khi Ủy viên phụ trách mở rộng EU Johannes Hahn bày tỏ mối quan ngại sâu sắc, thì Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusogly lại lên tiếng bảo vệ hành động của Chính phủ Ankara, với lý do chống khủng bố, nhất là sau cuộc đảo chính bất thành tại nước này hồi tháng 7-2016.

Hiện tại, Ankara vẫn đang tiếp tục sa lầy vào căng thẳng ngoại giao với Berlin, sau khi nước này bắt giữ một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền hôm 18-7, trong đó có một công dân Đức, vì những cáo buộc liên quan tới khủng bố.

Tuy nhiên, cũng tại cuộc họp, ông Mevlut Cavusoglu cho biết Ankara đang nỗ lực tìm hướng giải quyết những bất đồng với Berlin và hy vọng mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa hai nước sẽ sớm được cải thiện.

Sau đó, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini đã tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là ứng cử viên gia nhập EU, bất chấp những lo ngại sâu sắc về các vấn đề nhân quyền và nhà nước pháp quyền đang cản trở tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh của nước này. 

Giới chuyên gia nhận định, sở dĩ bà Mogherini đưa ra tuyên bố như vậy là vì nếu EU mạnh tay chỉ trích Ankara thì sẽ chỉ khiến nước này từ bỏ động lực cuối cùng để theo đuổi dân chủ hóa và hài hòa với EU.

Trước đó, nhiều nhà phân tích cũng đưa ra những luận điểm lo ngại rằng, nếu không có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu và cộng đồng quốc tế sẽ phải vật lộn với những mối đe dọa từ những chiến binh nước ngoài, đánh bại Nhà nước Hồi giáo, ổn định Iraq, cũng như vạch ra một giải pháp chính trị cho vũng lầy Syria. 

Minh Hà
.
.
.