"Đòn đáp trả " của Iran với vụ Mỹ ám sát tướng Soleimani

Chủ Nhật, 03/01/2021, 15:23
Một chuyên gia tại Tehran nhận định, một năm sau vụ ám sát tướng Qasem Soleimani, người Iran vẫn còn giận dữ với Mỹ. Và mặc dù nước này đã đáp trả vụ ám sát bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq, nhưng đó chưa phải lời đáp thực sự.
Ảnh của tướng Soleimani trên đường phố Tehran, Iran. Nguồn Reuters. 

Đã một năm kể từ khi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ giết chết tướng Qasem Soleimani, chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Mohammed Marandi, một nhà phân tích chính trị từ Đại học Tehran, cho biết người dân Iran vẫn còn tiếc thương vị tướng bị ám sát.

“Người dân Iran ngày nay rất tức giận, cũng giống như cách đây một năm, khi ông ấy bị sát hại”, chuyên gia này cho biết.

Đối với người dân Iran, Soleimani là một chiến binh tận tụy và trung thành với chính phủ. Tuy vậy, đối với Israel và đồng minh, Soleimani lại bị cho là đã giúp xây dựng và đào tạo lực lượng dân quân ở Trung Đông, đe dọa đến Israel. Tel Aviv tuyên bố rằng Soleimani, người từng là chỉ huy Lực lượng Quds, đã gửi quân tiếp viện đến Syria để chiến đấu cùng với các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad và Iraq để chống lại IS, al-Qaeda. Iran đã phủ nhận việc triển khai quân đến Syria, nói rằng họ chỉ cử cố vấn quân sự.

Soleimani là người có nhiều đóng góp cho quân đội của Iran, chính vì vậy, sau khi ông này bị ám sát, nhiều bài báo địa phương cho rằng Iran sẽ khó có thể phục hồi sau sự mất mát này. Tuy nhiên, Marandi cho rằng Iran “không phụ thuộc vào một cá nhân”.

Ngay sau vụ ám sát Soleimani, Iran đã trả đũa hai mục tiêu của Mỹ ở Iraq, phóng nhiều tên lửa vào các căn cứ của Mỹ ở tỉnh Erbil và Al Anbar.

Vào thời điểm đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố động thái này không đáng kể nhưng chiến dịch “Martyr Soleimani” đã làm lộ ra lỗ hổng của phía Mỹ tại đây, và Marandi nói rằng đó chỉ là một phản ứng đối với “vụ sát hại Soleimani”.

Marandi nhấn mạnh rằng, “tất cả các tên lửa của Iran đều đạt mục tiêu và thiệt hại là rất lớn. Nhưng đó chỉ là một phản ứng chứ không phải phản ứng chính thức, trong khi lời đáp cuối cùng của Iran là quân Mỹ sẽ bị trục xuất khỏi Iraq, Syria và Afghanistan”.

Theo một cách nào đó, điều này đã và đang xảy ra. Năm 2019, ông Trump tuyên bố rút một số binh sĩ Mỹ khỏi Syria và tháng 9 vừa qua, Washington tuyên bố sẽ giảm số lượng quân nhân của mình tại Iraq từ 5.200 xuống còn 3.000 binh sĩ.

Vào tháng 11/2020, một báo cáo khác cho rằng Mỹ sẽ rút 2.500 binh sĩ từ cả Iraq và Afghanistan.

Việc tiếp tục rút quân có thể là một dấu hiệu cho thấy Washington không quan tâm đến việc căng thẳng leo thang hơn nữa và Mỹ nhận ra rằng “Iran không thể bị đánh bại trong một cuộc chiến tranh thông thường”. “Iran không giống Iraq hay Afghanistan. Đây là một quốc gia rất hùng mạnh và người Mỹ biết rõ điều đó”, Marandi cho biết.

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết sẽ quay lại bàn đàm phán với Iran và khôi phục thỏa thuận hạt nhân, nhưng theo Marandi, chính quyền mới của Mỹ không có gì đảm bảo cho mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn.

Duy Tiến (Theo Sputnik)
.
.
.