Thỏa thuận hạt nhân Iran đứng trước nguy cơ trở về con số 0

Chủ Nhật, 03/01/2021, 08:38
Vào đúng ngày đầu tiên của năm mới 2021, Iran đã thông báo với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (LHQ) dự định sản xuất uranium với độ làm giàu lên tới 20% mức tinh khiết, tức là trở về mức trước khi đạt được Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), thường được gọi tắt là thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, với Nhóm P5+1.

Đây được xem là bước đi đáp trả đầu tiên của Iran sau vụ nhà khoa học hàng đầu nước này Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát cách đây 2 tháng. Liên tiếp những cú sốc đang khiến thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, mà xa hơn là mọi nỗ lực nhằm ổn định Trung Đông đứng trước nguy cơ trở về con số không.

Theo ông Mikhail Ulyanov, Đại sứ Nga tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), trong bức thư gửi Hội đồng Thống đốc của cơ quan này, Iran đã thông báo về ý định nâng mức làm giàu uranium lên 20% (so với mức hiện tại là 4,5%) tại nhà máy hạt nhân ngầm Fordow, theo một luật mà Quốc hội Iran thông qua mới đây. Tuy nhiên, bức thư “không đề cập chính xác khi nào hoạt động này được thực hiện”.

Một cơ sở hạt nhân tại Iran. Ảnh: Reuters.

Bình luận về thông tin này, một nhà ngoại giao phương Tây tại Vienna (Áo) cho rằng, Iran đã gia tăng sức ép với những bên tham gia ký kết còn lại lên một nấc nữa. Bản thân nước này trong suốt hơn 1 năm qua cũng đang ngày càng tự giải phóng mình khỏi những cam kết và ràng buộc được nêu trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Đây cũng là kịch bản mà IAEA đã nhiều lần bày tỏ lo ngại.

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi nhấn mạnh: “Tôi sẽ không đề xuất bất kỳ chính sách nào cho bất kỳ ai, bởi vai trò của tôi và IAEA là thanh tra và giám sát việc thực thi thỏa thuận. Đó là thỏa thuận của họ và họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Nhưng những gì tôi thấy là chúng ta đang tiến gần hơn và quay trở lại thời điểm tháng 12/2015”.

Theo báo cáo mới đây nhất của IAEA hồi tháng 11/2020, Iran đang làm giàu uranium lên mức cao hơn mức cam kết 3,67% theo thỏa thuận, nhưng không vượt quá ngưỡng 4,5%, và vẫn tuân thủ cơ chế kiểm soát rất nghiêm ngặt của cơ quan này. Tuy nhiên, vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh hồi cuối tháng 11/2020 đã như “giọt nước tràn li” khiến tình hình ngày càng trở nên vượt tầm kiểm soát.

Sau vụ ám sát, những nhân vật cứng rắn ở Iran đã cam kết có hành động đáp trả và Quốc hội nước này mới đây cũng đã thông qua một dự luật gây tranh cãi kêu gọi sản xuất và dự trữ “ít nhất 120kg uranium làm giàu cấp độ 20%” mỗi năm và “chấm dứt” các cuộc thanh sát của IAEA, vốn được thực hiện nhằm đảm bảo nước này không tìm cách sở hữu bom hạt nhân. Dù phản đối ý tưởng này, song Chính phủ của Tổng thống Iran Hassan Rouhani mặt khác cảnh báo, phương Tây không thể yêu cầu Iran vi phạm những luật đã được quốc hội thông qua.

Thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015 từng được đánh giá là một bước ngoặt lịch sử, khi giúp chấm dứt một trong những hồ sơ gây tranh cãi thế giới trong hàng thập kỷ. Tuy nhiên văn kiện này lại đang đứng trước nguy cơ “tan thành mây khói” sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi năm 2018 rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận và bắt đầu chính sách gây áp lực tối đa chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo.

Để đáp trả, từ nhiều tháng trước, Iran đã tuyên bố giảm một số cam kết trong JCPOA, đồng thời tăng giới hạn làm giàu uranium. Một khi Iran cụ thể hóa ý định trục xuất các thanh sát viên quốc tế và khôi phục hoạt động làm giàu uranium cấp độ 20%, vấn đề hạt nhân Iran chắc chắn sẽ một lần nữa được đưa trở lại Hội đồng Bảo an LHQ và mọi nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 hoàn toàn có nguy cơ “trôi sông đổ biển”.

Trên thực tế, Iran đang rất muốn hồi sinh JCPOA. Hồi đầu tháng 12 vừa qua, Tổng thống Hassan Rouhani khẳng định Iran sẵn sàng trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận ngay sau khi các bên còn lại tôn trọng những cam kết của mình. Ông cũng tái khẳng định quyết tâm nắm bắt “cơ hội” khi nước Mỹ sẽ chính thức có tổng thống mới vào tháng 1/2021. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng từng thể hiện quan điểm tương tự vào tháng 11/2020. Cả Tổng thống và Ngoại trưởng Iran chắc hẳn đã không phát đi những tín hiệu nói trên nếu không nhận được sự chấp thuận của Nhà lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, nhân vật có tiếng nói quyết định trong các chính sách đối ngoại và đối nội của Tehran.

Việc tái tham gia JCPOA trước tiên sẽ mang lại cơ hội thúc đẩy kinh tế đáng kể cho nước Iran. Tehran có thể tăng cường xuất khẩu dầu mỏ của mình một cách hợp pháp. Giới chức Iran đã chuẩn bị cho kịch bản xuất khẩu dầu mỏ “hết công suất” chỉ trong vòng vài tháng.

Theo trang mạng chính thức của Tổng thống Hassan Rouhani, ông đã đề nghị Bộ Dầu mỏ Iran chuẩn bị mọi nguồn lực và trang thiết bị dầu khí để tăng sản lượng và xuất khẩu dầu mỏ trong vòng ba tháng tới. Trước khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA hồi năm 2018, Iran đã xuất khẩu hơn 2 triệu thùng dầu/ngày. Trong 2 năm qua, xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã rơi xuống mức thấp kỷ lục 100.000 thùng/ngày. Dầu mỏ được coi là nguồn thu chủ chốt của Iran và Tổng thống Hassan Rouhani đã thừa nhận rằng Iran khó có thể vận hành và duy trì sự phát triển của đất nước nếu không có nguồn thu từ dầu mỏ, cho dù quốc gia này vẫn còn những nguồn thu từ các lĩnh vực khác.

Thứ hai, JCPOA sẽ mở ra lộ trình mới để phương Tây có thể đầu tư vào các lĩnh vực của Iran, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Iran rất muốn thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư nước ngoài. Sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết vào năm 2015, giới chức Iran thậm chí còn mời các công ty dầu khí của Mỹ đến Iran kinh doanh. Điều này cho thấy nước Cộng hòa Hồi giáo sẵn sàng đặt lợi ích kinh tế lên trên lợi ích tư tưởng cách mạng của mình.

Đổi lại, nguồn lợi kinh tế chắc chắn sẽ giúp Iran truyền bá các tư tưởng và tôn chỉ cách mạng của mình trong khu vực. Thứ ba, tái tham gia JCPOA sẽ giúp Iran duy trì sự hợp pháp toàn cầu. Tóm lại, Iran sẵn sàng tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân chủ yếu nhờ những lợi ích mà nó sẽ mang lại cho nền kinh tế và tài chính của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Và lúc này các bên tham gia ký kết còn lại là Anh, Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc chỉ có thể chờ đợi và hi vọng vào chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ  đắc cử Joe Biden. Mới đây, ông Joe Biden tuyên bố một trong các ưu tiên nhiệm kỳ của ông là đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.