Điều gì xảy ra với nước Anh sau khi bỏ phiếu Brexit lần 2 thất bại?

Thứ Tư, 13/03/2019, 14:15

Việc bị Hạ viện từ chối thông qua thỏa thuận Brexit sửa đổi chưa phải là kết thúc đối với chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa, khi trong 2 ngày tới, bà sẽ liên tiếp đối mặt với thêm 2 cuộc bỏ phiếu nữa.

Ngày 12-3 (giờ địa phương), Hạ Viện Anh đã bỏ phiếu bác lại dự thảo thỏa thuận Brexit sửa đổi lần thứ hai của Thủ tướng Theresa May với tỷ lệ 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận.

Theo đúng những cam kết mà Thủ tướng Anh đã đưa ra từ trước, trong ngày 13-3, các nghị sĩ sẽ "tự do" bỏ phiếu về việc liệu nước Anh có rời Liên minh châu Âu (EU) đúng thời hạn 29-3 mà không có một thỏa thuận nào hay không.

Việc bỏ phiếu thỏa thuận Brexit bất thành đã đẩy cả Anh lẫn EU rơi vào vòng xoáy chính trị mới. Ảnh: BBC

Nếu các nghị sỹ đồng ý phương án Brexit không thỏa thuận, nước Anh sẽ vẫn rời EU vào ngày 29-3 tới, nhưng đây sẽ là một cuộc ly hôn đem lại tổn thất kinh tế nặng nề cho cả hai phía.

Trong trường hợp các nghị sĩ bỏ phiếu lựa chọn việc rời EU mà có thỏa thuận, vào ngày 14-3, các nghị sĩ sẽ tiếp tục bỏ phiếu về việc liệu nước Anh có sử dụng Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon về việc lùi thời điểm thực thi Brexit hay không. 

Nếu kết quả là "không", nước Anh sẽ quay lại với phương án rời EU mà không thoả thuận. Nếu câu trả lời là "có", chính phủ của bà Theresa May sẽ phải đề xuất với EU gia hạn thời điểm kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon. 

Dựa trên những tuyên bố được quan chức EU đưa ra hôm 11-3 về việc Brexit phải được hoàn thiện trước bầu cử châu Âu, việc gia hạn thời gian được coi là kịch bản khả thi nhất và nhiều khả năng nước Anh sẽ xin gia hạn đến ngày 22-5, 1 ngày trước cuộc bầu cử châu Âu.

Tuy nhiên, dù kết quả bỏ phiếu có ra sao thì chắc chắn những gì đạt được sẽ không mang lại "quả ngọt" cho bà May. Trước sức ép từ các nghị sĩ và từ Công đảng đối lập, tương lai chính trị của Thủ tướng Anh trở nên gian nguy hơn bao giờ hết.

Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã liên tục kêu gọi nước Anh tổ chức tổng tuyển cử sớm để lập chính phủ mới. Lãnh đạo nhiều đảng đối lập cũng như phe đối lập trong nội bộ đảng Bảo thủ cũng kêu gọi nữ Thủ tướng từ chức.

Một số nghị sĩ Đảng Bảo thủ trung thành với Thủ tướng May cảnh báo với The Guardian rằng nguy cơ tổng tuyển cử sớm có thể xảy ra nếu bà May mất đi sự ủng hộ trong Quốc hội, dù cho nữ chính trị gia này khẳng định sẽ không từ chức và sẽ theo đuổi tiến trình Brexit trên cương vị Thủ tướng đến cùng.

An Nhiên
.
.
.