Điều gì xảy ra bên trong cụm dịch COVID-19 lớn nhất Singapore?
- Singapore vẫn được WHO tin tưởng dù số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á
- Singapore di dời lao động nhập cư do lo ngại bùng phát ổ dịch
Những người lao động tại ký túc xá S11 Punggol. Ảnh: Reuters |
Nỗi lo mang tên S11
Chàng trai 25 tuổi người Bangladesh này là một trong hàng nghìn công nhân, chủ yếu đến từ Nam Á, đang lao động tại Singapore để kiếm nguồn thu nhập về cho gia đình của mình.
Tuy nhiên, giờ đây, Habibur Rahman không thể đi làm, cũng chẳng thể đi đâu cả. Anh cùng nhiều lao động khác đang phải cách ly theo yêu cầu của chính phủ, chiến đấu với chính sự tuyệt vọng và lo lắng trong một khu ký túc xá rộng lớn được gọi là S11 Punggol.
Ký túc xá S11 là một trong nhiều khu nhà trọ lao động tại Singapore. Những khu nhà trọ này là nơi sinh sống của khoảng 300.000 lao động nhập cư đến từ Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Mỗi căn phòng có thể chứa từ 12 cho đến 20 lao động.
S11 được coi là ký túc xá rẻ nhất Singapore dành cho người lao động, với sức chứa tới 14.000 công nhân trong một dãy tòa nhà 4 tầng nằm trên diện tích khoảng gần 6 héc ta, tương đương với diện tích của khoảng 8 sân bóng.
Người lao động xếp hàng chờ lấy đồ ăn trong thời gian cách ly. Ảnh: Reuters |
Còn giờ đây, ký túc xá S11 đang là một trong những ổ lây nhiễm COVID-19 chính tại Singapore, với 1.977 ca nhiễm, trong tổng số hơn 8.000 ca nhiễm tại quốc gia này.
"Nếu một người bị nhiễm bệnh, sẽ rất dễ lây lan sang những người khác. Hiện chúng tôi đang phải khóa mình trong phòng. Mọi người đều sợ hãi, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện mỗi ngày", Rahman chia sẻ.
Có 43 khu ký túc xá như vậy đã được xây tại Singapore, với 200.000 công nhân sinh sống. Bên cạnh đó, có khoảng 1.200 nhà máy được chuyển đổi thành chỗ ở cho 95.000 công nhân, cùng nhiều khu nhà tạm quy mô nhỏ khác trên khắp Singapore, theo Bộ Nhân lực nước này.
Hiện, 19 khu ký túc xá dành cho lao động nước ngoài tại Singapore đã bị cách ly, trong bối cảnh hơn 75% số ca bệnh COVID-19 được ghi nhận tại những khu vực này. Điều này cũng dấy lên bức xúc rằng chính quyền Singapore đã bỏ rơi những người lao động nhập cư trong quá trình chống dịch.
Nhịp sống không còn như trước tại những khu ký túc xá cho người lao động nước ngoài ở Singapore. Ảnh: Reuters |
Nỗi lo mang tên COVID-19
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chính phủ Singapore cho biết họ đã khuyên các đơn vị điều hành ký túc xá theo dõi công nhân bị sốt, khuyến khích công nhân vệ sinh cá nhân và hạn chế tiếp xúc đông người ở các khu vực chung để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Nhưng theo một công nhân có tên Nizamul, 27 tuổi, việc kiểm tra nhiệt độ rất hiếm khi được thực hiện ở S11, và máy quét dấu vân tay chỉ mới được đưa vào sử dụng để kiểm soát người sinh sống vài ngày trước khi chính quyền ban hành lệnh cách ly.
Theo Nizamul, trước khi lệnh cách ly được đưa ra, anh ở chung phòng với một người đàn ông Ấn Độ. Người này sau đó đã xuất hiện biểu hiện cảm lạnh, sốt và có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Một vài công nhân tại S11 lên tiếng phàn nàn về chất lượng vệ sinh, về sự thiếu phòng ngừa và sự tẻ nhạt tại nơi cách ly. Một vài người khác lại dành lời ca ngợi cách chống dịch của chính phủ Singapore. Nhưng tất cả họ, lúc này, đều sợ nhiễm virus.
Chán nản, lo lắng, chờ đợi là những cảm xúc mà các công nhân tại khu ký túc xá cách ly chia sẻ. Ảnh: Reuters |
Với Nayem Ahme, 26 tuổi, một công nhân xây dựng đến từ Bangladesh, nỗi sợ luôn bủa vây anh, kể từ sau khi người bạn cùng phòng anh bị mắc COVID-19. Sau khi tỉnh dậy với triệu chứng sốt hôm 8/4, anh ta lập tức báo với nhân viên y tế ký túc xá. Hai ngày sau, anh ta được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2.
"Tôi không thể diễn tả được chính xác cảm xúc của mình khi nghe tin đó. Tôi tưởng như mình không thể sống nổi nữa", Ahmed cho biết. Ngay sau khi bạn cùng phòng nhiễm bệnh, Ahmed được phát thuốc, xét nghiệm và chụp X-quang. Vài ngày sau, anh được chuyển đến một trung tâm hội nghị gọi là Expo, nơi điều trị các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.
"Tôi thấy như mình có một cuộc sống mới", Ahmed nói, đồng thời cảm ơn chính phủ Singapore vì đã cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồ ăn và thậm chí đảm báo trả lương cho những công nhân bị cách ly. Nhưng theo anh, cần nhiều nỗ lực hơn để đẩy lùi COVID-19 tại các khu ký túc xá.
"Các khu ký túc đều rất đông đúc và bẩn thỉu. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi đây trở thành điểm nóng của lây nhiễm virus. Và giờ chúng tôi phải trả giá", Ahmed nói.
Nhưng, cũng có những trường hợp nói rằng không có ai nhiễm COVID-19 trong nơi ở tại S11 của mình, như công nhân Miah Palash. Theo anh, mọi người đều tuân thủ việc giãn cách xã hội, chưa có bất kỳ ai nhiễm bệnh, và khó khăn lớn nhất lúc này chỉ là tìm cách giải trí để giảm bớt lo lắng.
Theo Reuters, trong quá trình bị cách ly, các công nhân chỉ rời khỏi phòng để đi tắm. Các bữa ăn sẽ được chuyển đến bởi nhân viên. Một ngày trôi qua trong tẻ nhạt và lo lắng, với việc xem phim trên điện thoại, phơi đồ trên ban công, hoặc trò chuyện với người thân qua ứng dụng gọi trực tuyến.
Bộ Nhân lực Singapore cũng thừa nhận, khi tiến hành cách ly các khu ký túc xá, họ đã phải đối mặt với những thách thức về vệ sinh và cung cấp thực phẩm, nhưng cơ quan chức năng nước này đã nỗ lực cải thiện điều kiện cách ly cho các công nhân.