Dịch bệnh COVID-19 khi nào kết thúc?
- Khác biệt quá lớn tại 2 ổ dịch COVID-19 Italia và Hàn Quốc
- Có dễ lây nhiễm COVID-19 trên máy bay?
- COVID-19 khiến bóng đá dính “virus cháy túi”
COVID-19 vẫn đang hoành hành
Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 15/3 thông báo đã ghi nhận thêm 20 ca nhiễm mới COVID-19 và 10 ca tử vong tại Trung Quốc đại lục trong ngày 14/3. Theo đó, tính đến hết ngày 14/3, tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục là 80.844 ca và 3.199 ca tử vong.
Điểm nóng thứ hai tại châu Á là Hàn Quốc sáng 15/3 cũng thông báo ghi nhận thêm 76 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 8.162 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tăng thêm 3 ca lên 75 ca.
Theo Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản, đến thời điểm sáng 15/3, trong một ngày Nhật Bản đã xác nhận thêm 64 người nhiễm mới COVID-19. Đây là con số người nhiễm cao nhất từ trước cho tới nay tại Nhật Bản kể từ khi dịch COVID-19 phát sinh tại đây. Như vậy, tính tới nay, tổng số người nhiễm tại Nhật Bản là 1.485 người.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Brescia ở Lombardy, Italy. |
Tại châu Âu, quốc gia tâm dịch Italy ngày 14/3 ghi nhận thêm 3.497 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 21.157 trường hợp. Số ca tử vong tăng 175 ca lên 1.441 trường hợp và số ca hồi phục tăng 527 ca lên con số 1.966.
Tiếp sau Italy, Tây Ban Nha đã trở thành điểm nóng mới của dịch bệnh COVID-19 khi ghi nhận tới 1.500 người nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên hơn 5.700 người. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Tây Ban Nha đã ra lệnh phong toả hầu như toàn bộ lãnh thổ nước này nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Cùng ngày, Cơ quan Y tế Pháp chính thức công bố nước này bước vào giai đoạn 3 của dịch COVID-19, tức là giai đoạn nước Pháp phải công bố dịch. Tính đến chiều 14/3, Pháp ghi nhận tổng cộng 4.500 ca nhiễm COVID-19 và 91 ca tử vong. Trong khi đó, Nga cùng ngày cũng ghi nhận thêm 14 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 59 người.
Tại Trung Đông, quốc gia tâm dịch Iran ngày 15/3 xác nhận số người tử vong do COVID-19 tại nước này đã tăng lên 611 người, cao hơn gần 100 người so với một ngày trước đó, trong khi tổng số ca nhiễm bệnh là 12.729. Iran là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19 sau Trung Quốc đại lục, nước đầu tiên bùng phát dịch bệnh.
Bộ Y tế Saudi Arabia ngày 14/3 thông báo nước này đã phát hiện thêm 17 ca nhiễm virus COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại vương quốc này lên 103 trường hợp. Cùng ngày, Bộ Y tế Công cộng Qatar cho biết nước này đã ghi nhận 17 trường hợp nhiễm mới. Theo đó, đến nay Qatar đã có 320 trường hợp mắc COVID-19…
Tại châu Mỹ, Giáo sư Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, thông báo tới nay nước này đã ghi nhận 2.226 ca nhiễm COVID-19, song hiện vẫn chưa đến đỉnh dịch. Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại Canada đã vượt 200 người.
Cũng trong ngày 14/3, Bộ Y tế Mexico thông báo nước này ghi nhận thêm 15 ca dương tính với COVID-19, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 41 và số trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh là 155 người.Tính đến sáng 15/3, trên thế giới có 153.957 người mắc, 5.793 người tử vong. Trong đó gồm 3.189 ca tử vong tại Trung Quốc đại lục, 2.604 ca tại 147 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc.
Khi nào sẽ kết thúc?
Dù dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan trên toàn cầu và chưa biết đến khi nào sẽ kết thúc. Theo các chuyên gia, các biện pháp ngăn chặn hợp lý có thể chấm dứt dịch COVID-19. Tiến sĩ William Schaffner của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã dẫn việc dịch SARS đầu những năm 2000 là một ví dụ.
“Dịch SARS đã được kiểm soát qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà chức trách y tế công cộng và những chuyên gia lâm sàng - những người có thể chẩn đoán các trường hợp, cách ly các bệnh nhân nhiễm bệnh, theo dõi liên lạc của họ và thực hiện các chính sách kiểm soát sự lây nhiễm một cách mạnh mẽ”, ông nói.
Một khả năng nữa được đưa ra là COVID-19 sẽ yếu dần khi thời tiết ấm lên nhưng hiện nay vẫn chưa rõ liệu thời điểm mùa xuân và mùa hè có khiến dịch COVID-19 chấm dứt hay không.
Hiện nay, các quốc gia có tỷ lệ truyền nhiễm cao đều là những nước có nhiệt độ từ 10 - 15 độ C hoặc thấp hơn như Hàn Quốc, Italy, và các nước châu Âu khác, cũng như khu vực Đông Bắc và Tây Bắc nước Mỹ.
Trong khi nhiều nước nhiệt đới vẫn có một số ca nhiễm COVID-19 nhất định thì cho tới nay, các nước này không có sự lây nhiễm rộng trong cộng đồng, có lẽ do thời tiết nóng ẩm giúp ngăn cản sự lây lan nhanh chóng của chủng virus này.
“Nếu COVID-19 giống như các virus hô hấp khác, chẳng hạn như cúm, thì nó sẽ yếu đi khi thời tiết ấm lên”, chuyên gia William Schaffner nhận định.
Nhưng hiện vẫn còn quá sớm để chắc chắn về khả năng này. Các nhà khoa học vẫn đang làm nghiên cứu để hiểu hơn về COVID-19. Nếu COVID-19 không nhạy cảm với nhiệt độ, sự lây lan của dịch bệnh sẽ tiếp diễn trên toàn thế giới trong nhiều tháng, ít nhất là cho đến khi có sự miễn dịch cộng đồng - một hình thức bảo vệ gián tiếp nhằm chống lại một căn bệnh truyền nhiễm nào đó khi một tỷ lệ lớn dân cư đã trở nên miễn dịch với virus gây bệnh, và từ đó tạo nên một lớp bảo vệ cho những người không miễn dịch.