Đại sứ Hàn Quốc: Không có phương án B nếu đàm phán với Triều Tiên thất bại

Thứ Năm, 22/11/2018, 15:03
Trong một bài phỏng vấn được Yonhap đăng tải ngày 22-11, Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Yoon-je khẳng định không có "phương án B" nếu các nỗ lực ngoại giao không thể khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, Đại sứ hàng đầu của Hàn Quốc tại Mỹ Cho Yoon-je cho biết, hiện đang tồn tại quan điểm thống nhất giữa 3 quốc gia Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên rằng các cuộc đàm phán sẽ phải tiếp tục, bất chấp những bước lùi gần đây trong việc thực thi thỏa thuận phi hạt nhân hóa.

Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Yoon-je trả lời phỏng vấn. Ảnh: Yonhap

Thỏa thuận quan trọng này đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh lịch sử diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên kể từ sau đó, vẫn chưa có một cuộc đàm phán chính thức nào được tổ chức để xác định các bước tiếp theo.

"Tôi không cho rằng đang tồn tại một phương án B. Tôi nghĩ rằng cả Triều Tiên và Mỹ đều đang trên đà đối thoại dẫu cho chuyện gì có xảy ra. Đây là một cơ hội lịch sử", Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ chia sẻ. 

Các hoạt động đối thoại tích cực giữa Mỹ và Triều Tiên bắt đầu diễn ra trong năm nay, sau một năm 2017 đầy căng thẳng giữa hai nước, với đỉnh điểm là việc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 cùng hàng chục vụ phóng tên lửa, dẫn đến những cuộc "khẩu chiến" không hồi kết giữa hai nhà lãnh đạo.

Liên quan đến chi tiết về thỏa thuận tiềm năng giữa Mỹ và Triều Tiên, Đại sứ Cho cho rằng một thỏa thuận toàn diện với thời gian biểu ấn định sẽ rất lý tưởng nhưng rất khó thực hiện. Theo ông, cách tiếp cận từng bước sẽ phù hợp hơn, đồng thời dự đoán các tiến triển sẽ diễn ra "từng chút một".

Những phát biểu của Đại sứ Cho được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên được kỳ vọng sẽ diễn ra vào đầu năm 2019. Theo Yonhap, Triều Tiên đang tìm kiếm một thỏa thuận nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, cùng tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. 

Tuy nhiên, phía Mỹ từ chối cung cấp bất kỳ sự nhượng bộ lớn nào cho đến khi đạt được tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược của Triều Tiên.

Lam Ninh (Theo Yonhap)
.
.
.