Đại dịch COVID-19 đang làm thay đổi cuộc đua vào Nhà Trắng?

Thứ Tư, 18/03/2020, 08:10
Đại dịch COVID-19 đã khiến cục diện chính trị Mỹ đảo lộn: Tổng thống Donald Trump từ lợi thế tăng trưởng kinh tế phải đối mặt với khủng hoảng, trong khi các đối thủ của ông đang nhìn thấy cơ hội vô giá để phá thế bế tắc.

Cơ hội vô giá…

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đến sự nghiệp chính trị của mình khi đại dịch COVID-19 lan rộng khắp toàn cầu và Mỹ không là ngoại lệ. Các đảng viên Cộng hòa lo ngại rằng phản ứng của Nhà Trắng và “cú đánh” của đại dịch vào nền kinh tế sẽ gây tổn hại cho triển vọng tái đắc cử của ông. Diễn biến phức tạp của COVID-19 và sự sụt giảm giá trị cổ phiếu ở Phố Wall trong những ngày gần đây đã dẫn tới lo ngại khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ. 

Hai ứng cử viên Joe Biden và Bernie Sanders “chào khuỷu tay” trước khi bước vào cuộc tranh luận tổng thống của đảng Dân chủ tại Washington ngày 16/3. Ảnh: AP
Ông Mike DuHaime, một chiến lược gia đảng Cộng hòa, người điều hành các chiến dịch tranh cử ở New Jersey, nói: “Sức mạnh lớn nhất của tổng thống là nền kinh tế. Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục làm tổn thương những nhà đầu tư, nó sẽ làm tổn thương sự nghiệp chính trị của chính ông”. 

Trong khi đó, tờ The New York Times (NYT) bình luận rằng, COVID-19 đã đem lại cơ hội vô giá cho các ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới.

Các ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ đã ngay lập tức nắm bắt cơ hội này. Điều này được thể hiện rõ tại cuộc tranh luận trực tiếp hôm 16/3 giữa cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Cuộc tranh luận bao trùm hàng loạt chủ đề đối nội, đối ngoại nhưng làm thế nào để đối phó hiệu quả nhất với dịch COVID-19 là chủ đề nóng nhất. 

Để  giải quyết tình trạng bế tắc hiện tại, ứng cử viên Joe Biden khẳng định cần huy động quân đội và tăng thêm gói cứu trợ, đồng thời xây dựng lại vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong cuộc chiến chống dịch. 

“Thế giới và nước Mỹ cần hiểu rằng chúng ta cần phải có một gói cứu trợ lớn. Đây là thời điểm các nước cần sát cánh và hỗ trợ lẫn nhau”, ông nhấn mạnh. 

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders ưu tiên phát huy vai trò của hệ thống y tế, khuyến nghị thực hiện chương trình bảo hiểm sức khỏe toàn dân nhằm cung cấp gói điều trị miễn phí cho người dân, đồng thời ưu tiên hợp tác với các nước để đối phó với dịch bệnh. 

Theo ứng viên này, điều Washington cần nhất bây giờ là gạt bỏ hiềm khích trong quá khứ và hợp tác với Trung Quốc vì nước này có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa COVID-19.

So với ông Donald Trump phải hành động cụ thể vì đang cầm quyền, cả ông Joe Biden và ông Bernie Sanders chỉ cần đưa ra ý tưởng giải pháp và thuyết phục cử tri Mỹ tin vào tính khả thi cũng như hiệu ứng thực tế của những ý tưởng đối phó với dịch bệnh của họ. 

Trong khi đó, ông Donald Trump lại phải có được kết quả cụ thể mà cử tri Mỹ có thể định tính và định lượng hóa được ở chỗ: Các biện pháp chính sách của ông và cộng sự có đẩy lùi được sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh hay không, có chấm dứt được dịch bệnh hay không và lại còn đạt được cả hai kết quả này nhanh chóng hay chậm trễ trong thời gian tới.

Thử thách cần phải vượt qua

Mối đe dọa ngày càng tăng từ COVID-19 đã buộc Tổng thống Mỹ có động thái khác để đảo ngược tình thế. “Sự an toàn, an ninh và sức khỏe của người dân Mỹ là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Donald Trump lúc này”, một thông cáo tranh cử của Tổng thống Donald Trump bằng văn bản cho biết. Và không chỉ bằng lời nói, ông đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm đối phó với dịch bệnh. 

Việc tuyên bố này sẽ cho phép các bang và vùng lãnh thổ của Mỹ huy động 50 tỷ USD để hỗ trợ công tác chống dịch. Tổng thống cũng yêu cầu tất cả các bang ngay lập tức thành lập các trung tâm xử lý tình huống khẩn cấp, các bệnh viện lên kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi công dân Mỹ. 

Ông thông báo sẽ cải thiện việc xét nghiệm virus trên cả nước bao gồm việc mở rộng các điểm xét nghiệm virus cho người dân tại các siêu thị và trung tâm bán lẻ. Các phòng xét nghiệm tư nhân và các công ty sản xuất vaccine sẽ có thể tiến hành 5 triệu lượt thử virus SARS-CoV-2 trong vòng 1 tháng. Động thái trên của người đứng đầu Nhà Trắng được đánh giá là phần nào đã làm thay đổi tình thế.

Bên cạnh đó, theo ông Michael Bloomberg, cựu ứng cử viên đã từ bỏ cuộc đua để quay sang ủng hộ ông Joe Biden sau sự kiện Siêu thứ Ba (ngày 3/3) vừa qua, điều quan trọng nhất đối với đảng Dân chủ lúc này là đoàn kết ủng hộ một ứng cử viên có thể đánh bại ông Donald Trump và nhận được sự hậu thuẫn của đông đảo cử tri. 

Với những gì diễn ra sau Siêu thứ Ba, có vẻ như ứng cử viên này chính là ông Joe Biden. Tuy nhiên, việc thống nhất đảng Dân chủ vẫn còn nhiều thách thức thực sự. 

Ông Bernie Sanders vẫn bám đuổi ông Joe Biden sát sao về tỷ lệ đoàn cử tri với chiến thắng quan trọng tại 4 bang, đặc biệt là California. Điều này cho thấy vị Thượng nghị sĩ này vẫn là một nhân tố không thể xem thường. 

Hơn thế nữa, với những bình luận và chỉ trích mà ứng cử viên này dành cho ông Joe Biden ngay sau Siêu thứ Ba, nhiều người cho rằng sẽ có một cuộc đối đầu rất căng thẳng tại Hội nghị toàn quốc của đảng Dân chủ cho vị trí đề cử của đảng này. 

Và ngay cả trong trường hợp ông Joe Biden là “người được chọn”, người ta cũng sẽ không khỏi băn khoăn xem ông sẽ làm thế nào để thống nhất một đảng Dân chủ đang chia rẽ để cùng giành lấy Nhà Trắng.

Có vẻ như sau những bài học từ cuộc bầu cử năm 2016 khi bà Hillary Clinton mất sự ủng hộ quan trọng của cử tri từ các bang Trung Tây nước Mỹ, ông Joe Biden muốn lôi kéo một nhân vật xuất thân ở vùng ngoại ô, đặc biệt lại là phụ nữ, về phe mình. 

Trong trường hợp này, nhân vật đó không ai khác chính là bà Amy Klobuchar, người với tuyên bố ủng hộ ông Joe Biden đã cho thấy hiệu quả rõ rệt không chỉ ở bang quê nhà Minesota mà còn trên khắp cả nước, cùng với sự ủng hộ của Pete Buttigieg. 

Tất nhiên việc ông Joe Biden lựa chọn bà Elizabeth Warren, người từ bỏ cuộc đua hôm 5/3, cũng có thể sẽ thuyết phục các cử tri tiến bộ, cho dù ông và chính trị gia này có nhiều bất đồng.

Bà Elizabeth Warren tranh cử với nền tảng thống nhất nội bộ đảng, đồng thời thúc đẩy “thay đổi cấu trúc lớn” và một chương trình nghị sự tiến bộ, vì vậy việc lựa chọn nhân tố này hoàn toàn có thể góp phần củng cố sự đoàn kết của đảng Dân chủ trong cuộc chiến lớn vào tháng 11 tới. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cũng nên tính đến khả năng đảng Dân chủ đưa ra một ứng cử viên phó tổng thống là người có tư tưởng tiến bộ và ủng hộ ứng cử viên Bernie Sanders.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.