Đặc phái viên ASEAN đã đến Myanmar

Thứ Sáu, 04/06/2021, 09:08
Các đặc phái viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 3/6 đã đến Myanmar để hội đàm với lãnh đạo chính quyền quân sự nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại quốc gia này.

Myanmar đang rơi vào tình trạng bất ổn chính trị nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển nền kinh tế trong nước, kể từ sau cuộc chính biến xảy ra ngày 1/2 vừa qua. Theo Liên hợp quốc, hơn 800 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống lại chính quyền quân sự sau chính biến.

ASEAN, ngay từ những ngày đầu, đã dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao chính để giải quyết tình trạng khủng hoảng chính trị ở Myanmar. Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra hồi cuối tháng 4 vừa qua, Brunei đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về diễn biến ở Myanmar, trong đó khẳng định các nước ASEAN theo dõi sát diễn biến tình hình tại Myanmar.

Sau hội nghị, các nhà lãnh đạo đã đưa ra tuyên bố "đồng thuận 5 điểm" kêu gọi "chấm dứt bạo lực ngay lập tức" và nhất trí thực hiện chuyến đi đến Myanmar của một đặc phái viên khu vực.

Thống tướng Min Aung Hlaing. Ảnh: Reuters

AP đưa tin, ông Erywan Yusof - Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei, nước Chủ tịch ASEAN năm 2021, và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã đến Myanmar hôm 3/6 và dự kiến sẽ gặp người đứng đầu chính quyền quân sự nước này Min Aung Hlaing vào ngày 4/6.

Hiện chưa rõ liệu các phái viên ASEAN có kế hoạch gặp phe đối lập với chính quyền quân sự Myanmar hay không. Phe đối lập chủ yếu gồm thành viên đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, người đã bị quân đội bắt giữ cùng nhiều quan chức đảng NLD khác.

Trước đó, hôm 2/6, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã lên tiếng kêu gọi ASEAN lập tức cử ngay một phái viên đến Myanmar, sau hơn một tháng kể từ khi các thành viên nhất trí các bước để cố gắng chấm dứt tình trạng khủng hoảng tại đây.

Hiện ASEAN vẫn chưa chỉ định được đặc phái viên liên quan đến vấn đề Myanmar trong khối, do chưa thống nhất được quan điểm về người được lựa chọn, nhiệm vụ của đặc phái viên cũng như nhiệm kỳ làm việc.

Trong khi đó, Đặc phái viên LHQ về Myanmar, Christine Schraner Burgener, mặc dù đã có mặt bên lề hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4, nhưng vẫn chưa được chính quyền quân sự Myanmar đồng ý cho đến nước này. 

An Nhiên
.
.
.