Cuộc khủng hoảng "trăm năm có một" tại Australia

Thứ Tư, 18/03/2020, 19:09

Thủ tướng Australia cảnh báo người dân “ngừng tích trữ” khi người dân trên khắp đất nước quét sạch mọi siêu thị trong bối cảnh báo động về sự lây lan nhanh chóng của virus Corona mới, đã lây nhiễm gần 200.000 người trên toàn thế giới.

Nhiều kệ hàng tại siêu thị ở Australia trống trơn vì bị người dân quét sạch. Ảnh CNN. 

Nhiều video trên mạng xã hội cho thấy cảnh người dân tràn vào các cửa hàng tạp hóa và chiến đấu giành lấy các nhu yếu phẩm như giấy vệ sinh. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 18/3, Thủ tướng Scott Morrison thẳng thừng nói với người dân hãy “ngừng tích trữ” thực phẩm thiết yếu.

“Dừng lại đi. Hành động này rất thiếu hợp lý, không hữu ích và tôi phải nói, đó là một trong những điều đáng thất vọng nhất tôi từng thấy trong hành vi của người dân Australia khi đối phó với cuộc khủng hoảng này. Đó không phải là bản chất của chúng ta”, ông Morrison nhấn mạnh.

Ông Morrison, người phải đối mặt với sự chỉ trích từ giới bác sĩ vì không áp dụng các biện pháp cách ly xã hội chặt chẽ hơn, cũng tuyên bố mở rộng hạn chế đối với tất cả các sự kiện trong nhà với quy tụ từ 100 người, tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các trường học sẽ vẫn mở để đảm bảo các bệnh viện vẫn đủ nhân lực.

“Đây là một cuộc khủng hoảng trăm năm một lần, chúng ta chưa từng thấy điều này ở Australia kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ nhất, nhưng tất nhiên chúng ta cùng nhau vượt qua thách thức này”, ông nói. Morrison cảnh báo tình trạng gián đoạn có thể tiếp tục trong “ít nhất 6 tháng, thậm chí có thể lâu hơn nữa”.

Tính đến ngày 18/3, đã có hơn 450 trường hợp được xác nhận nhiễm virus Corona chủng mới tại Australia, theo các cơ quan y tế địa phương. Mới một tuần trước, số ca nhiễm chỉ là 100. Virus vẫn đang lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới, với hơn 7.400 người thiệt mạng, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Hoảng loạn mua hàng trong siêu thị

Những tháng đầu năm 2020 đặc biệt khó khăn đối với người Australia, những người phải chịu đựng những trận cháy rừng khiến ít nhất 33 người thiệt mạng.

Nhiều người lo ngại sự gia tăng nhanh chóng của virus Corona cho thấy hệ thống y tế mạnh mẽ bình thường của Australia có thể bị áp đảo, giống như Italia, nơi hơn 2.000 người đã thiệt mạng, theo WHO.

Ủy ban Bảo vệ Sức khỏe (AHPPC), cơ quan chịu trách nhiệm chính trong phản ứng với dịch bệnh này tại Australia, đã nhấn mạnh sự cần thiết của “cách ly xã hội” trong làm chậm sự lây lan của căn bệnh này.

“Chúng ta đang ở trong một tình huống chủ yếu là các trường hợp từ nước ngoài đến, số lượng nhỏ, không cần phải quá lo lắng nhưng vẫn cần phải chuẩn bị”, Brendan Murphy, Giám đốc AHPPC, cho biết.

Hạn chế đi lại

Mức cảnh báo di chuyển của Australia đã được nâng lên cấp 4 kể từ ngày 18/3, kêu gọi tất cả công dân tránh mọi chuyến đi quốc tế. Bất cứ ai đến từ nước ngoài từ hôm nay sẽ được yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày.

Người Australia ở nước ngoài được khuyến khích về nhà nước trong thời gian sớm nhất có thể trên các chuyến bay thương mại, bởi có thể sẽ không có sự giúp đỡ lãnh sự nếu nhiều quốc gia quyết định đóng cửa biên giới.

Các sự kiện thể thao và tư nhân lớn đã bị hủy bỏ. Chính phủ đã thực hiện những biện pháp chưa từng khi hủy bỏ lễ kỷ niệm Ngày Anzac 25/4, một buổi lễ lớn và diễu hành hàng năm tôn vinh những công dân đã hy sinh khi phục vụ trong quân đội trong các cuộc xung đột lớn.

Nhưng không giống như các quốc gia khác phải đối mặt với dịch, các cuộc tụ họp ngoài trời công cộng lên tới 500 người vẫn được phép và các trường học vẫn mở tại Australia.

Các hiệp hội phụ huynh và giáo viên đã đặt câu hỏi về việc tiếp tục các lớp học. Chủ tịch Liên đoàn Giáo viên của tiểu bang New South Wales, Bruno Gavrielatos, tuyên bố rằng nhiều trường học có thể dễ dàng được phân loại thành tụ họp của hơn 500 người.

“Sự thiếu rõ ràng, nhất quán và đôi khi, những lời khuyên và ý kiến ​​trái ngược của cộng đồng y tế và các nhà lãnh đạo đang tạo ra căng thẳng đáng kể cho giáo viên và hiệu trưởng”, ông Bruno Gavrielatos cho biết.

Trong một bức thư công khai gửi Thủ tướng, một nhóm các bác sĩ kêu gọi các biện pháp chặt chẽ hơn và hỗ trợ nhiều hơn các bệnh viện để chuẩn bị cho dịch bệnh.

“Trong khi chúng tôi hoan nghênh các biện pháp đã được thực hiện bởi các nhà chức trách cho đến nay, chúng tôi biết rằng những điều đó là chưa đủ”, bức thư có viết.

Duy Tiến
.
.
.