Cuộc chiến giành vaccine ngừa COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp
- Người Trung Quốc xếp hàng tiêm vaccine COVID-19
- 240 người Israel nhiễm COVID-19 dù đã được tiêm vaccine
- EU chạy đua với chiến dịch tiêm Vaccine COVID-19 trong toàn khối
Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp với các biến thể mới nghiêm trọng hơn, đã xuất hiện những bê bối “cướp lượt” vaccine tại nhiều quốc gia, khiến những người đối mặt với nguy cơ nhất lại không được tiêm phòng vaccine. Ở mức độ cao hơn là khả năng tiếp cận các loại vaccine của các nước nghèo hơn trên thế giới.
Cuộc chiến giành vaccine ngừa COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. |
Từ những bê bối “cướp lượt”
Bộ Y tế Ba Lan vừa mở một cuộc điều tra sau khi có thông tin nhiều nhân vật nổi tiếng, bao gồm các chính trị gia, diễn viên nổi tiếng dùng tiền và ảnh hưởng để “cướp lượt” tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Những nhân viên y tế là nhóm ưu tiên hàng đầu khi Ba Lan bắt đầu khởi động chương trình tiêm chủng vào cuối tháng 12 vừa qua. Tuy nhiêu, nhiều nhân vật nổi tiếng đã được tiêm trong nhóm ưu tiên này, khiến lực lượng nhân viên y tế bất bình.
Với giải thích những người này được đề nghị tiêm trước để tham gia chiến dịch quảng bá vaccine cũng không làm cho người dân Ba Lan nguôi giận, buộc Bộ Y tế Ba Lan phải tiến hành điều tra vụ việc.
Việc “cướp lượt” vaccine cũng diễn ra tại Mỹ, khi nhiều chuyên gia y tế cho biết đã có những lời đề nghị “đổi vaccine” bằng các khoản thanh toán khủng lên đến hàng chục nghìn USD kèm theo các khoản quyên góp lớn. Điều này đặt ra thách thức cho việc phân bổ vaccine công bằng và hiệu quả không chỉ giữa các nước mà còn giữa các nhóm người trong một xã hội.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Vaccine mang lại cơ hội để chấm dứt đại dịch. Tuy nhiên để bảo vệ thế giới, chúng ta phải đảm bảo rằng tất cả những người có nguy cơ nhất phải có quyền được bảo vệ nhất. Đây sẽ là thách thức cho thế giới trong việc phân phối vaccine công bằng và hiệu quả trong năm 2021”.
Trong bối cảnh các quốc gia đang gấp rút thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn, hiện có nhiều lo ngại vaccine hiện nay có thể không có tác dụng trên biến thể mới, đặc biệt là biến thể tại Nam Phi.
Theo các nhà khoa học, biến thể mới được phát hiện ở Nam Phi khác với biến thể tại Anh vì nó quá nhiều đột biến ở protein gai quan trọng mà virus SARS-CoV-2 dùng để thâm nhập vào các tế bào của con người.
Bên cạnh đó, biến thể tại Nam Phi còn khiến tải lượng virus SARS-CoV-2 cao hơn, nghĩa là nồng độ hạt virus trong cơ thể bệnh nhân cao hơn, có thể góp phần làm mức độ lây nhiễm cao hơn. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nhấn mạnh: “Chúng tôi lo ngại đặc biệt về biến thể mới tại Nam Phi. Vì vậy, Anh đã phải đưa ra các biện pháp để dừng các chuyến bay từ Nam Phi. Lo ngại của tôi đó là virus này lây lan nhanh và dễ dàng hơn so với biến thể được phát hiện tại Anh. Điều này sẽ là thách thức lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh”.
Chính phủ Anh cho biết các nhà khoa học nước này cũng không tin tưởng hoàn toàn rằng vaccine ngừa COVID-19 hiện nay có thể ngăn ngừa biến thể mới tại Nam Phi. Theo các chuyên gia, nếu vaccine phòng COVID-19 hiện nay không hoạt động hiệu quả đối với biến thể tại Nam Phi, có thể mất một tháng hoặc 6 tuần để các nhà khoa học tìm ra loại vaccine mới.
Vì nhiều lý do khác nhau, các quốc gia cũng đang điều chỉnh chiến lược tiêm vaccine người COVID-19 để hiệu quả và phù hợp với tình hình mới. Do thiếu vaccine, Đức và Đan Mạch, Anh nghiên cứu khả năng kéo dài thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm, nhằm tăng số người được tiêm chủng mũi thứ nhất, trong khi chờ đợi vaccine được cung cấp cho liều thứ hai.
Tuy nhiên, các Tập đoàn Dược phẩm cho biết, chưa có dữ liệu về hiệu quả của việc tiêm chủng được đảm bảo sau 21 ngày tiêm mũi thứ nhất và cần tiêm mũi thứ hai đúng hạn để đảm bảo được bảo vệ hoàn toàn khỏi đại dịch.
Tới khả năng tiếp cận vaccine của những nước nghèo
Một số nỗ lực đang sẵn sàng được thực hiện để đạt được mục tiêu này. Chẳng hạn, COVAX, một liên minh 172 quốc gia (không bao gồm Mỹ), đang tìm cách “đảm bảo sự tiếp cận vaccine nhanh chóng, công bằng và hợp lý” cho “những người dân ở tất cả mọi quốc gia”.
Dưới sự đồng chỉ đạo của Gavi, Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) và WHO, COVAX đã xúc tiến các thỏa thuận với 9 hãng chế tạo dược phẩm để đặt mua vaccine ngay khi chúng được thông qua sử dụng.
Cho đến nay, cả Liên minh châu Âu (EU) và cá nhân các nước thành viên EU đã đóng góp phần lớn nhất cho nỗ lực này (tính đến nay là 850 triệu euro - tương đương 1 tỷ USD), tiếp đến là Quỹ Bill & Melinda Gates và các nhà tài trợ lớn khác. COVAX đang tìm cách gia tăng ngân sách này lên 5 tỷ USD từ nay đến cuối năm 2021 để có thể mua 2 tỷ liều vaccine.
Tuy nhiên, dù là với loại vaccine chỉ cần dùng một liều duy nhất (loại vaccine được thông qua hiện nay cần 2 liều), thì 2 tỷ USD cũng là không đủ để đảm bảo vaccine cho tất cả người dân của các nước đang phát triển.
Và mặc dù có những hy vọng rằng các nhà sản xuất tại các quốc gia như Ấn Độ có thể chế tạo các loại vaccine rẻ hơn, thì nguồn cung toàn cầu vẫn còn khá thiếu hụt mới đủ đáp ứng nhu cầu của tất cả.
Ngoài COVAX, còn có những nỗ lực hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các nước nghèo. Chẳng hạn, Ngân hàng Thế giới (WB) đã trao 160 tỷ USD cho các nước khách hàng của mình, và nhiều nhà tài trợ cũng các quỹ nhân ái khác cũng đã đóng góp theo một hình thức tương tự.
Thêm vào đó, theo Sáng kiến Đình chỉ Nghĩa vụ Trả Nợ (DSSI) chung của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 73 quốc gia nghèo đã được trao cơ hội hoãn trả nợ cho đến tháng 6/2021.
Mặc dù sự tiếp cận vaccine phổ quát là điều quan trọng để vượt qua đại dịch, song chưa rõ là liệu việc tài trợ thêm tiền cho các nước nghèo để mua vaccine có thực sự đảm bảo cho họ mua được thêm nhiều liều vaccine hơn trong bối cảnh nguồn cung còn thiếu thốn như đã nói ở trên.
Các nhà sản xuất được phê duyệt hiện đã nỗ lực hết mình để khắc phục những hạn chế này, và mặc dù có thể có những bất ngờ thuận lợi, nhưng nhu cầu tăng cao (và cả giá thành để mua vaccine) cũng không thể kích thích được sự gia tăng năng suất một cách đáng kể.
Tuy nhiên, với thực tế là nhu cầu vaccine cho năm 2021 có thể vượt quá nguồn cung, những động lực để tăng năng suất khó có thể cải thiện cán cân cung-cầu trong năm này. Và đây cũng không phải mối quan ngại duy nhất. Nếu một số quốc gia đủ tín nhiệm, họ có thể vay thêm tiền để mua vaccine khi giá vaccine tăng, khiến họ rơi vào tình trạng nợ nần nặng nề hơn những lại không mua được nhiều vaccine hơn so với số tiền họ bỏ ra.