Cơ hội nào cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu?
- Phe đối lập "bắt tay" quyết lật đổ Thủ tướng Israel
- Thủ tướng Israel Netanyahu không thể thành lập chính phủ
“Tôi vinh dự được thông báo với ngài rằng, tôi đã thành công trong việc thành lập chính phủ mới”, lãnh đạo đảng đối lập Yesh Atid của Israel, ông Yair Lapid, thông báo qua email tới Tổng thống đương nhiệm Reuven Rivlin chỉ 35 phút trước hạn chót vào nửa đêm 2/6, Reuters đưa tin.
“Chính phủ liên minh mới sẽ làm việc vì tất cả người dân Israel, cả những người đã bỏ phiếu và không bỏ phiếu cho chúng tôi”, ông Lapid sau đó viết trên Twitter, khẳng định chính phủ mới sẽ tôn trọng các đảng phái đối lập và “làm mọi việc có thể để đoàn kết, kết nối toàn Israel”. Tổng thống Rivlin đã chúc mừng ông Lapid về việc thành lập một liên minh, đồng thời bày tỏ hy vọng Quốc hội sẽ sớm triệu tập cuộc họp để phê chuẩn chính phủ mới.
Quốc hội Israel có 120 ghế nên ông Lapid phải tập hợp đủ ít nhất 61 phiếu ủng hộ để lập ra liên minh. Theo truyền thông Israel, liên minh của Lapid gồm nhiều đảng phái, từ đảng cánh tả Meretz đến đảng cánh hữu Yamina của ông Naftali Bennett, hay đảng Xanh-Trắng trung tả của Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz.
Thủ lĩnh đảng Yamina, ông Naftali Bennett (bên trái) và thủ lĩnh đảng Yesh Atid, ông Yair Lapid. Nguồn: timesofisrael |
Hôm 30/5, lãnh đạo đảng Yamina, ông Naftali Bennett và ông Lapid đã đạt một thỏa thuận thành lập chính phủ mới, trong đó ông Bennet, người từng lãnh đạo Bộ Quốc phòng Israel, sẽ nắm quyền hai năm đầu; ông Lapid, từng là Bộ trưởng Tài chính, làm thủ tướng trong hai năm còn lại.
Tuyên bố trên được phe đối lập Israel đưa ra trong bối cảnh đất nước này đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, khi Israel vừa trải qua cuộc giao tranh ác liệt nhất kéo dài 11 ngày với các tay súng Palestine ở Dải Gaza vào tháng trước, cùng với đó là sự gia tăng những xung đột giữa người Do Thái và người Arab cũng như các xung đột phản đối quyền cai quản của Anh với vùng đất Palestine.
Việc các đảng phái ở Israel đạt thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh gần như chắc chắn sẽ chấm dứt chuỗi 12 năm cầm quyền của Thủ tướng đương nhiệm Israel Benjamin Netanyahu. Tuy nhiên, chính phủ mới sẽ chưa thể tuyên thệ ngay trong vài ngày tới do Quốc hội cần phải bỏ phiếu tín nhiệm để hoàn tất quá trình thành lập liên minh và đây có thể là những ngày cuối cùng của ông Netanyahu trên cương vị Thủ tướng. Do vậy, ông Netanyahu còn vài ngày nữa để lôi kéo các nghị sĩ đối lập về phe mình và bỏ phiếu phản đối chính phủ liên minh mới.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng ông Netanyahu sẽ tìm mọi khả năng để điều này có thể xảy ra, bằng cách tranh thủ các thành viên Yamina vốn không muốn liên minh với các nghị sỹ Arab và cánh tả. “Hãy bình tĩnh. Ông Netanyahu vẫn còn là thủ tướng trong vài ngày tới cho đến khi diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và ông sẽ tìm mọi cách để bác bỏ chính phủ mới với thế đa số mong manh. Mọi chuyện vẫn còn chưa kết thúc”, ông Anshell Pfeffer, nhà phân tích chính trị của báo Haaretz tuyên bố trên Twitter. Thế nhưng, nhiều chuyên gia khác nhận định, khả năng ông Netanyahu thành công là rất thấp, bởi ông đã thất bại trong nỗ lực thành lập chính phủ trước đó (dù đảng Likud của ông giành 30 ghế trong Quốc hội – nhiều nhất trong cuộc bầu cử hồi tháng 3), nên mới buộc phải trao trọng trách này cho phe đối lập.
Ông Netanyahu là một nhân vật gây nhiều tranh cãi với những cáo buộc như nhận hối lộ, gian lận và lạm dụng tín nhiệm trong suốt 12 năm giữ chức Thủ tướng Israel. Ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội ngày 23/3, hàng chục ngàn người Israel đã xuống đường biểu tình để phản đối Thủ tướng Netanyahu. Họ vây kín khu nhà ở của Thủ tướng Netanyahu, giương khẩu hiệu đòi phế truất ông Netanyahu.
Những người tổ chức biểu tình cho rằng ông Netanyahu không còn phù hợp để tiếp tục lãnh đạo đất nước, khi mà bản thân ông đang đối mặt với các cáo buộc tham nhũng và gian lận. Hiện ông Netanyahu đang bị truy tố trong 3 vụ án tham nhũng kéo dài hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, trong phiên tòa xét xử mới nhất hôm 5/4 vừa qua, ông Netanyahu không nhận tội đối với những cáo buộc tham nhũng, đồng thời tiếp tục cáo buộc cơ quan pháp luật Israel tổ chức một cuộc “săn phù thủy” nhằm “loại bỏ một thủ tướng cánh hữu mạnh mẽ” và khẳng định đây là “âm mưu đảo chính”.
Có thể nói, thỏa thuận mà lãnh đạo phe đối lập Israel Yair Lapid đạt được hôm 2/6 đang đẩy ông Netanyahu vào tình thế nghiêm trọng hơn bởi nếu mất đi quyền lực, ông sẽ không thể thực hiện kêu gọi thay đổi luật cơ bản cho phép ông hưởng quyền miễn trừ. Tới nay, các phiên xét xử vẫn chưa kết thúc. Nếu bị chứng minh là có tội, ông Netanyahu có thể phải đối mặt với án tù 10 năm vì tội hối lộ và tới 3 năm vì tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm.
Giới quan sát cho rằng, chính phủ mới nếu chính thức được tuyên thệ sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cả về an ninh, ngoại giao và kinh tế chưa kể đến việc nội bộ các đảng trong liên minh vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn khó hóa giải khi quy tụ một loạt các đảng không cùng chính kiến từ đảng cánh tả, đảng cánh hữu và cả đảng trung tả trên chính trường Israel.
Trong một diễn biến liên quan đến chính trường Israel, trong cuộc bỏ phiếu kín tại Quốc hội ngày 2/6, với việc giành được 87/120 phiếu ủng hộ, ông Isaac Herzog (60 tuổi), cựu lãnh đạo đảng Lao động, đã vượt qua đối thủ là bà Miriam Peretz (giành được 27 phiếu ủng hộ) và được lựa chọn là tổng thống thứ 11 của nước này, trở thành người thay thế Tổng thống Reuven Rivlin sắp mãn nhiệm vào tháng tới. Theo kế hoạch, ông Herzog sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 9/7 tới. Phát biểu sau khi thắng cử, ông Herzog cam kết lắng nghe nhân dân, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng sự đoàn kết, bảo vệ địa vị của Israel trên trường quốc tế, chống lại chủ nghĩa bài Do Thái cũng như bảo vệ nền dân chủ của Israel. |