Cơ hội cải thiện quan hệ Nga - Mỹ

Thứ Sáu, 29/06/2018, 09:31
Vậy là Moscow và Washington đã ký thỏa thuận tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại một nước thứ 3 ở châu Âu vào tháng 7 tới. 

Cả hai nhà lãnh đạo đều tin tưởng rằng, cuộc gặp trực tiếp lần này sẽ cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Chủ đề nào sẽ được nhắc đến trong cuộc gặp?

Để chuẩn bị cho cuộc gặp này, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm 27-6 (giờ địa phương) đã tới Nga và có cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế cùng quan tâm. 

Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm, ông Bolton nhấn mạnh: “Bất chấp những ồn ào chính trị tại Mỹ, đối thoại trực tiếp giữa ông Trump và ông Putin sẽ là lợi ích tốt nhất của đất nước chúng tôi. Chúng tôi có thể phối hợp giải quyết nhiều vấn đề mặc cho những khác biệt giữa hai nước”. 

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ công khai chỉ trích cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 để giúp ông Donald Trump giành được chức vụ Tổng thống Mỹ và gọi cáo buộc này là điều “hoàn toàn vô nghĩa”. 

Cùng ngày, người đứng đầu Nhà Trắng bày tỏ lạc quan khi cho rằng nhìn chung các cuộc gặp đều có thể mang đến những điều tốt đẹp và tích cực. Ông hi vọng “nhiều chuyện tốt đẹp sẽ xảy đến từ các cuộc gặp gỡ với mọi người. Có thể mong đợi một điều gì đó lạc quan xuất hiện”. 

Về phía Nga, người đứng đầu Điện Kremlin chia sẻ chuyến thăm của ông John Bolton tới Moscow làm dấy lên hy vọng rằng ít nhất hai bên có thể có bước đi đầu tiên hướng tới khôi phục mối quan hệ toàn diện. 

Bản thân nhà lãnh đạo Nga lâu nay nhiều lần khẳng định Nga không tìm kiếm sự đối đầu với Mỹ và sẵn sàng thảo luận những biện pháp nhằm “khôi phục các mối quan hệ toàn diện dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.

Hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ dự kiến sẽ gặp nhau trong tháng 7.             Ảnh: CNN

Theo thông báo từ Nhà Trắng, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga có thể diễn ra tại Helsinki (Phần Lan) hoặc Vienna (Austria) sau hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 11-12-7 ở Brussels (Bỉ). 

Chương trình nghị sự dự kiến bao trùm “hàng loạt vấn đề”, trong đó có cuộc chiến ở Syria và tình hình tại Ukraine. Về vấn đề Syria, Mỹ phải chấp nhận một sự thật là Tổng thống Bashar al-Assad vẫn tiếp tục nắm quyền lãnh đạo. 

Mục tiêu chia rẽ Syria và thành lập một nhà nước Sunni “Sunnistan” để ngăn chặn sự ảnh hưởng của Iran không hề khả thi. Có thể Tổng thống Mỹ sẽ tận dụng cơ hội gặp gỡ lần này với người đồng cấp Nga để thể hiện rõ hơn quan điểm từ trước đến nay ông theo đuổi – muốn đưa quân Mỹ rời khỏi Syria. 

Ở vấn đề còn lại, câu hỏi được đặt ra cho Tổng thống Donald Trump là ông sẽ phải làm gì. Một điều hoàn toàn rõ ràng: Crimea sẽ không bao giờ được trả về cho Ukraine. 

Một động thái khôn ngoan của Tổng thống Donald Trump lúc này sẽ là chính thức hóa quan điểm Mỹ không công nhận việc Crimea sáp nhập với Nga, song sự không công nhận này cũng không ảnh hưởng gì tới mối quan hệ với Moscow. 

Một chủ đề khác mà Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin không cần nhắc tới trong hội nghị là khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga, vì chắc chắn là Quốc hội Mỹ sẽ ngăn chặn điều đó. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ có thể đề nghị không trừng phạt các công ty châu Âu đang làm ăn với Nga, cụ thể là trong dự án dòng chảy phương Bắc.

Và những kỳ vọng

Trong nhiều năm qua, mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Nga luôn bị phủ bóng đen do những bất đồng liên quan tới cuộc chiến ở Syria, xung đột tại miền Đông Ukraine và việc bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga, cũng như những cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và vụ cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh. 

Các nhà phân tích cho rằng, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ không thể ngay lập tức thu hẹp bất đồng hay giải quyết những vấn đề cơ bản giữa hai bên. 

Bởi sẽ chẳng bên nào dễ dàng đơn phương nhượng bộ về những vấn đề được coi là “sống còn” đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên nó có thể mở ra đường hướng nhằm bình thường hóa quan hệ, và trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng sẽ được coi là một diễn biến tích cực.

Tiếp đến, cuộc gặp được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt tại một số điểm xung đột quốc tế như Syria và Ukraine. Xung đột tại Syria và Ukraine đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải tị nạn trên khắp khu vực Trung Đông, Châu Âu và nhiều nơi khác. 

Washington và Moscow mỗi bên đều chi phối một số lực lượng và có vai trò nhất định trong việc tìm giải pháp cho các cuộc xung đột này. 

Mặc dù hai bên đã đàm phán về một số giải pháp như thực thi thỏa thuận Minsk tại Ukraine hay xúc tiến hòa đàm Syria tại Geneva (Thụy Sỹ), song đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển do thiếu thiện chí chính trị. Và cuộc gặp Thượng đỉnh sẽ là cơ hội tốt nhất cho các bên để thể hiện cam kết tìm giải pháp cho những điểm nóng xung đột này.

Cuối cùng, sau nhiều năm áp đặt các biện pháp trừng phạt cũng như tung các đòn đáp trả trừng phạt, các chính sách cô lập đối thủ giữa Nga và Mỹ đã đến một mức độ “khó chấp nhận”, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hai nước. 

Việc cắt giảm nhân viên ngoại giao, cắt giảm các dịch vụ tại lãnh sự quán và đại sứ quán của hai nước đã khiến quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ rơi xuống mức thấp nhất. 

Giới quan sát kỳ vọng, thông qua Hội nghị Thượng đỉnh, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ nhận ra rằng sự tiếp xúc giữa các nhà ngoại giao, lập pháp, giữa các doanh nghiệp học giả và các nhóm dân sự là nền tảng quan trọng gỡ bỏ mọi rào cản, mang lại sự ổn định và bình thường hóa quan hệ.

Nga quay lại G7 là điều tất yếu

Ngày 28-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Tổng thống nước này Donald Trump cho rằng, việc Nga quay lại Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) là điều “tất yếu phải xảy ra” và “thỏa hiệp” đó có thể cho phép Moskcow tái gia nhập G7 trong khi vẫn đảm bảo chủ quyền đối với Bán đảo Crimea.

Theo ông Pompeo, Tổng thống Trump thực sự tin tưởng rằng sự tham gia của Nga trong các cuộc thảo luận địa chiến lược quan trọng là điều “tất yếu”. 

Ông cho hay có thể hình dung ra một loạt thỏa hiệp với Nga mà Mỹ và các nước khác đều có thể chấp nhận được, cũng như sẽ cho phép Moscow quay lại G7. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn khẳng định quan điểm của Washington phản đối việc Bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga, động thái dẫn đến việc Moscow bị đình chỉ tư cách thành viên G7.

Trần Linh  (tổng hợp)

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.