Nga – Mỹ “tất bật” chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh

Thứ Ba, 05/06/2018, 08:27
Theo tin từ The Wall Street Journal, Nhà Trắng và Điện Kremlin đang lên kế hoạch cho một cuộc gặp thượng định có thể diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ.

Hôm 3-6, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết, cựu Thống đốc bang Utah và hiện là Đại sứ Mỹ tại Nga, ông Jon Hun đã có mặt ở Washington để giúp thu xếp cho cuộc gặp. 

Theo quan chức này, đây là một dự án đã được Đại sứ Huntsman khởi động từ nhiều tháng trước nhằm đi đến một cuộc gặp chính thức giữa hai ông Vladimir Putin và Donald Trump. 

Rất nhiều việc phải được thực hiện theo kế hoạch, bao gồm việc xác định thời gian và địa điểm gặp gỡ. Theo New York Post, cuộc nội chiến đang diễn ra ở Syria, quan hệ với Ukraine và kiểm soát vũ khí hạt nhân sẽ là những chủ đề trong cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ. 

Trong khi đó, theo một số nguồn thạo tin, mục đích của cuộc gặp thượng đỉnh là để giải tỏa những bất đồng tồn tại lâu nay giữa hai nước trong bối cảnh các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 với mục đích giúp ông Donald Trump giành chiến thắng. 

Những phát hiện này đã dẫn đến cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về việc liệu ban vận động tranh cử của ông Donald Trump có thông đồng với Nga hay không, mặc dù ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng đã phủ nhận về bất kỳ sự thông đồng nào với Moscow.

Tổng thống Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Donald Trump.

Có thể nói rằng, chưa bao giờ trong lịch sử nước Nga hiện đại, Moscow phải hứng chịu sức ép ghê gớm như hiện nay khi Mỹ cùng các đồng minh phương Tây không ngừng siết chặt vòng vây cô lập và trừng phạt Nga. 

Trong năm 2018, sự đọ sức ngấm ngầm giữa Mỹ và Nga tại những “điểm nóng” vẫn chưa thực sự kết thúc. Tuy có khả năng hòa dịu quan hệ, nhưng nhiều nguyên nhân khiến cho Moscow và Washington vẫn ở tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” và sự hòa dịu kia chỉ là trong khuôn khổ. 

Là hai cường quốc quân sự trên thế giới, sự thay đổi trong quan hệ Nga – Mỹ vừa ảnh hưởng sâu sắc đến xu hướng ngoại giao của Nga, vừa sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Trung – Nga, tiến tới ảnh hưởng đến quan hệ Trung – Mỹ.

Trước tiên, sự thay đổi trong quan hệ Nga – Mỹ ảnh hưởng rộng rãi và sâu sắc đến chính sách đối nội và đối ngoại của Nga. Về mặt đối nội, khác với thời Liên Xô, Tổng thống Putin vận dụng nền kinh tế thị trường tự do để đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến cho hệ thống công nghiệp yếu đi và bị cô lập sau khi tư nhân hóa tổn thất quá nửa, hệ thống tài chính bị tác động nghiêm trọng. 

Bên cạnh đó, sự đổi mới chính trị ở Nga đã có sự đàn hồi, để tránh bị Mỹ và phương Tây thâm nhập diễn biến, người đứng đầu Điện Kremlin đã thắt chặt chính sách hơn nữa. 

Về mặt ngoại giao, một là giấc mộng hội nhập phương Tây của Nga hoàn toàn sụp đổ, từ việc chỉ nhìn về hướng Tây trước đây chuyển sang “chú ý cả Đông lẫn Tây”. Hai là sức ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông tăng lên. 

Cuộc đọ sức ở Trung Đông năm 2017, dựa vào việc tấn công IS trỗi dậy, không chỉ có Nga mà Iran cũng thiết lập lại hai “vòng cung Shiite” ở Arab trong đó có Iran, Syria, Liban, đã lấn át phe Hồi giáo dòng Sunni ở Saudi Arabia do Mỹ ủng hộ.

Thứ hai là sự ảnh hưởng đối với quan hệ Trung-Nga. Dù cá nhân Tổng thống Mỹ ngưỡng mộ người đồng cấp Nga bao nhiêu, nhưng lập trường của ông trong các vấn đề NATO, Ukraine, chống tên lửa đạn đạo, hạt nhân Iran và Syria hoàn toàn không phù hợp với lợi ích của Nga. 

Vị thế siêu cường duy nhất thế giới của Mỹ và giấc mộng phục hồi nước lớn của Nga đã định trước chiến lược hai nước sẽ va chạm với nhau. 

Do vậy, “Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia” và Sách Trắng Quốc phòng của Mỹ mới công bố tuy lần đầu tiên chuyển mối đe dọa Nga-Trung thành Trung-Nga, nhưng Nga vẫn là một trong những đối thủ hàng đầu của Mỹ, còn Trung Quốc cũng không thể lại trở thành “khán giả” trong cạnh tranh Mỹ-Nga. Chính Mỹ đã dồn ép đẩy Trung Quốc và Nga sát lại gần nhau, đồng thời 2 nước nhận thức được rằng chỉ có dựa vào nhau thì mới có thể bảo vệ tốt hơn an ninh của mỗi nước.

Cuối cùng là ảnh hưởng đối với quan hệ Trung - Mỹ. Quan hệ Nga – Mỹ cho thấy rõ quan hệ Trung-Mỹ sẽ không thuận buồm xuôi gió. Sau khi ông Trump cầm quyền, Trung Quốc thay thế Nga bị Mỹ xác định là đối thủ hàng đầu. 

Đối với Trung Quốc, tầm quan trọng về mặt kinh tế của Mỹ tồn tại song song với mối đe dọa an ninh của nước này là thực tế, không thể vì kinh tế Trung-Mỹ phụ thuộc lẫn nhau, cao độ thì xem thường, thậm chí bỏ qua. 

Tổng thống Mỹ đã biết rõ xung đột an ninh Trung-Mỹ, nếu Mỹ trước đây có thể bỏ qua vì Trung Quốc còn đang “cất bước” thì giờ đây ngôn ngữ ngoại giao dù đẹp đẽ đến đâu cũng không thể che đậy được thực tế Mỹ căm ghét sự phục hưng của Trung Quốc, thời đại “âm thầm” phát tài đó đã không còn tồn tại.

Mỹ muốn tiếp tục độc chiếm thế giới nhất định sẽ chia rẽ lục địa Á-Âu, còn sáng kiến “Vành đai và Con đường” lại muốn kết nối thành Cộng đồng chung vận mệnh Á-Âu. Mọi hành động của Mỹ từ Trung Đông đến Đông Á, mục tiêu không nói cũng rõ.

Khổng Hà
.
.
.