Chính trường Mỹ lại “dậy sóng” vì báo cáo nghi án Nga can thiệp bầu cử Tổng thống 2016
- Tổng thống Mỹ chưa hề đọc qua báo cáo điều tra chống lại mình
- Tổng thống Mỹ chiến thắng trong "cuộc săn phù thủy"
- Tổng thống Mỹ lý giải việc rút lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr ngày 18-4 (ngày 19-4 giờ Việt Nam) chính thức chuyển lên Quốc hội Mỹ, cũng như công bố rộng rãi bản báo cáo dài 448 trang của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về kết quả cuộc điều tra nghi án liên quan đến cái gọi là “Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016” và nghi án Tổng thống Mỹ Donald Trump “cản trở công lý”, Reuters đưa tin.
Phát biểu với báo giới vài giờ trước khi công khai nội dung báo cáo, ông William Barr kết luận, Nhà Trắng đã hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra của ông Mueller và Tổng thống Trump không bị kết luận là đã “cản trở công lý” trong cuộc điều tra này.
Công tố viên Robert Mueller và bản báo cáo làm “dậy sóng” chính trường Mỹ. Ảnh: TCT |
Reuters cho biết, dù không đưa ra cáo buộc nhằm vào ông chủ Nhà Trắng, nhưng bản báo cáo vẫn cho rằng Nga đã tài trợ một số nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, với hành động tấn công hệ thống máy tính và làm rò rỉ các tài liệu, thư điện tử nằm trong chiến dịch tranh cử của ứng viên Hillary Clinton và đảng Dân chủ Mỹ. Tuy nhiên, đài RT của Nga nhận định, các luận điểm được công bố liên quan đến cáo buộc nhằm vào Moscow là chưa rõ ràng.
Phát biểu sau khi báo cáo của Mueller được công bố, Tổng thống Trump tỏ ra vui mừng khi nói rằng ông “đang có một ngày tốt lành” và rằng, báo cáo của Mueller một lần nữa cho thấy ông “không câu kết, không cản trở”.
Ông Trump cũng nhấn mạnh, nước Mỹ không nên để các Tổng thống kế nhiệm ông phải trải qua những điều mà ông đang trải qua, ám chỉ cuộc điều tra của Mueller. Nhóm luật sư riêng của ông Trump thì lên tiếng khẳng định báo cáo của Mueller chính là “một chiến thắng hoàn toàn cho Tổng thống Mỹ”.
Cùng ngày, các nghị sĩ uy tín của đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ cũng đồng loạt ra tuyên bố nhấn mạnh, bản báo cáo vừa được công bố là một sự minh oan dành cho Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, từ phía đảng Dân chủ Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Summer lại phát đi một tuyên bố chung bác bỏ kết luận của ông Barr liên quan đến kết quả cuộc điều tra của ông Mueller. Trong tuyên bố này, đại diện đảng Dân chủ cáo buộc ông Barr đã “cố tình bóp méo” bản báo cáo của Mueller ngay trước khi nó được công bố theo hướng có lợi cho Tổng thống Mỹ.
“Bản báo cáo của Mueller rõ ràng khắc họa bức chân dung của một Tổng thống nói sai sự thật, cư xử không phù hợp... Nhưng nếu quý vị không đọc bản báo cáo và chỉ nghe kết luận của ông Barr, quý vị sẽ không thể biết được những điều trên vì ông Barr đã gây sai lệch điều này”, tuyên bố nhấn mạnh.
CNN cho hay, bản báo cáo vừa được công khai là phiên bản “gần như nguyên vẹn” so với báo cáo được ông Mueller nộp cho Bộ trưởng Tư pháp Mỹ hồi tháng 3. Vì nguyên tắc bảo mật, một số thông tin đã được lược bỏ như đoạn ghi âm các cuộc thẩm vấn trước bồi thẩm đoàn, tài liệu được thu thập bởi giới tình báo và bằng chứng liên quan đến các cuộc điều tra khác đang diễn ra.
Cách đây gần một tháng, hôm 24-3, ông Barr từng gửi một bản tóm tắt báo cáo của ông Mueller dài 4 trang cho Quốc hội Mỹ, nhưng phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện nhất quyết không chấp nhận bản tóm tắt trên, mà quyết liệt yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ phải công bố toàn bộ báo cáo gốc của công tố viên Mueller.
Vẫn liên quan đến các cáo buộc nhằm vào ông Trump, bản báo cáo của Mueller tuy không kết luận ông phạm tội, nhưng cũng không nói rằng ông vô tội khi liệt kê 10 tình huống có liên quan tới Tổng thống Mỹ, được cho là “có thể liên hệ” tới các yếu tố của hành động “cản trở công lý”. Điều này theo đó cho phép Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát vẫn có thể tiến hành loạt “cuộc chiến” pháp lý mới nhằm vào ông chủ Nhà Trắng.
Trong các tuyên bố phát đi hôm 19-4, một số nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện thậm chí kêu gọi “luận tội” ông Trump vì những chứng cứ ít ỏi được nêu trong báo cáo. Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy bác bỏ ý tưởng trên, bởi chắc chắn nó không được phe Cộng hòa kiểm soát Thượng viện chấp thuận.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerrold Nadler đã gửi thư đến Bộ Tư pháp yêu cầu công tố viên Robert Mueller ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện, chậm nhất là vào ngày 23-5, để làm rõ thêm những chi tiết bất lợi cho ông chủ Nhà Trắng. Ông Nadler cũng nói rằng, Quốc hội phải sớm có động thái để… quyết định số phận của Tổng thống Trump.
Được biết, Robert Mueller, cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), được chọn làm công tố viên đặc biệt điều tra nghi án “Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016” từ tháng 5-2017.
Trong quá trình điều tra kéo dài gần 2 năm qua, ông Mueller đề nghị truy tố 34 người, trong đó có 6 trợ lý, cố vấn của Tổng thống Trump cùng 25 người Nga. Tuy nhiên, không ai trong số này bị cáo buộc những tội danh liên quan trực tiếp đến việc can thiệp tiến trình bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Trước đó, Chính phủ Nga một mực phủ nhận những cáo buộc này. Tổng thống Vladimir Putin nói rằng những cáo buộc đó là “hoàn toàn lố bịch”.