Chỉ có thể giải quyết cuộc xung đột Syria thông qua đàm phán

Chủ Nhật, 09/09/2018, 08:59
Tại cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên tại Iran hôm 7-9 (giờ địa phương), lãnh đạo nước chủ nhà, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về tình hình tại khu vực giảm leo thang căng thẳng Idlib và đã quyết định giải quyết vấn đề này phù hợp với tinh thần hợp tác vốn là đặc điểm của tiến trình hòa đàm Astana.


Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp, 3 nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng, cuộc xung đột tại Syria chỉ có thể chấm dứt thông qua “tiến trình đàm phán chính trị” thay vì các biện pháp quân sự, đồng thời phải kiến tạo những điều kiện an toàn để đảm bảo quá trình hồi hương những người tị nạn.

Hợp tác để xóa sổ các tổ chức khủng bố

Văn kiện trên cũng khẳng định 3 nước sẽ hợp tác để xóa sổ hai tổ chức khủng bố là cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Nusra. 

Ba nước thống nhất sẽ chống lại các chính sách ủng hộ ly khai tại Syria, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia Trung Đông này. 

Ngoài ra, lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất trí sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về Syria tiếp theo tại Nga. 

Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy tính phức tạp của vấn đề Idlib, cuộc gặp ngày 7-9 đã chứng kiến sự chia rẽ giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. 

.Tổng thống Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 7-9.

Trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khăng khăng yêu cầu một thỏa thuận ngừng bắn, thì Tổng thống Nga Vladimir Putin lại bác bỏ mạnh mẽ ý tưởng này, cho rằng, việc ngừng bắn là vô nghĩa khi không có sự tham gia của các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan: “Nhiệm vụ chính ở giai đoạn này là truy quét và tiêu diệt các tay súng khủng bố tại Idlib. Bởi sự hiện diện của chúng là mối đe dọa trực tiếp đối với cuộc sống của người dân Syria”.

Bên cạnh đó, trong khi Tehran và Moscow nhấn mạnh sự cần thiết của cuộc chiến chống “chủ nghĩa khủng bố” và quyền của chính quyền Syria khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ, thì Ankara, vốn ủng hộ lực lượng nổi dậy và đang phải tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn Syria, cảnh báo nguy cơ một cuộc thảm sát. 

Tổng thống Tayyip Erdogan nhấn mạnh: “Dù với bất kỳ lý do gì, một cuộc tấn công vào Idlib sẽ dẫn tới một thảm họa, một cuộc thảm sát và một bi kịch nhân đạo lớn. Toàn bộ 3 triệu dân thường trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng”. 

Dù không như kỳ vọng về một lệnh ngừng bắn và dù vẫn còn những bất đồng không dễ giải quyết, song cuộc họp đã gửi đi được tinh thần hợp tác vốn có của tiến trình Astana về hòa bình Syria, mà 3 nước là những nhà bảo trợ chính. 

Theo các nhà phân tích, với một vấn đề phức tạp như Idlib, việc các nhà lãnh đạo Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có những bất đồng là điều dễ hiểu. Việc 3 nước quyết định giải quyết vấn đề Idlib trên tinh thần chủ đạo của tiến trình Astana là “hợp tác” mới là điều quan trọng nhất.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: “Các nỗ lực nhằm xóa bỏ sự hiện diện của khủng bố tại tỉnh Idlib của Syria với những tổn thất ít nhất đối với dân thường đã được giới chức quân sự Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bàn thảo chi tiết”. 

Bà Maria Zakharova tái khẳng định lập trường dựa trên nguyên tắc của Moscow là cần phải “thanh toán toàn bộ và triệt để các phần tử khủng bố” trên toàn lãnh thổ Syria. Bà nhấn mạnh: “Nga đang làm hết sức mình để giảm xuống mức tối thiểu thiệt hại và tổn thất về người đối với người dân tại tỉnh Idlib”.

Syria có quyền giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình

Phát biểu tại cuộc gặp thượng đỉnh trên, Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ: “Chính phủ hợp pháp Syria có quyền và cuối cùng phải giành sự kiểm soát toàn bộ lãnh thổ quốc gia của mình”. 

Theo Tổng thống Putin, có một số lớn người dân thường tại Idlib, điều này phải được lưu tâm khi giao chiến với những phần tử khủng bố. Ông nhấn mạnh tất cả các điều kiện cần thiết đã sẵn sàng để người dân Syria có thể tự quyết định số phận tương lai của họ. 

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, cuộc chiến chống “khủng bố" tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria là không tránh khỏi. Ông nhấn mạnh đây là "phần không tránh khỏi của sứ mệnh khôi phục hòa bình và ổn định tại Syria”. 

Ngoài ra, Tổng thống Rouhani cũng cho hay lãnh đạo Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi tất cả các phần tử khủng bố ở Idlib ngừng các hành động thù địch và hạ vũ khí. 

Cùng ngày, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria, Staffan de Mistura đã đề xuất một kế hoạch để những tay súng có quan hệ với al-Qaeda tại tỉnh Idlib của Syria có thể rút khỏi đây trong bối cảnh quân đội chính phủ chuẩn bị phát động chiến dịch quân sự tổng lực tại đây. 

Phát biểu trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, ông de Mistura nhấn mạnh cần phải ấn định thời hạn chót để tất cả các tay súng phiến quân rút khỏi khu vực dân cư và không được để xảy ra bất kỳ vụ tấn công quân sự nào trong giai đoạn này. 

Bên cạnh đó, ông de Mistura cũng kêu gọi mở những hành lang sơ tán để dân thường tình nguyện rời khỏi khu vực chiến sự, dưới sự giám sát của LHQ.

Tuy vậy, vẫn tồn tại nhiều trở ngại đối với hoạt động giải phóng Idlib. Với diện tích khoảng 6.000km2, Idlib có khoảng 3 triệu người dân đang sinh sống. LHQ từng cảnh báo rằng, chiến dịch tấn công tại Idlib có thể khiến 2,5 triệu người dân trong số này chạy về phía biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. 

Tiếp đó, Idlib cũng là thành trì của hơn 60.000 tay súng đối lập và sự hiện diện của nhóm phiến quân Hay'et Tahrir al-Sham (HTS), vốn cam kết sẽ chiến đấu chống lại quân đội chính phủ tới cùng, khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. 

Nga, Iran và chính phủ Syria có lý do chính đáng để phát động cuộc tấn công Idlib bởi HTS đã bị liệt vào nhóm khủng bố theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. 

Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra giao tranh, quân đội Syria cùng các lực lượng ủng hộ chắc chắn sẽ vấp phải sự kháng cự quyết liệt của các nhóm phiến quân và khủng bố tại Idlib bởi đây là thành trì cuối cùng của chúng.

Một trở ngại khác là sự phản đối từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara từng cảnh báo rằng, một cuộc tấn công vào Idlib sẽ là dấu chấm hết cho tiến trình hòa đàm về Syria tại Astana. Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai quân đội tại 12 trạm quan sát tại tỉnh Idlib để theo dõi lệnh ngừng bắn, do đó nếu không có một thỏa thuận trước, chiến dịch giải phóng Idlib của chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng giữa các bên.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.