Đức, Nga, Pháp và Ukraina đàm phán về hiệp ước Minsk và xung đột Syria

Thứ Năm, 20/10/2016, 08:06

Các lãnh đạo Đức, Nga, Ukraina và Pháp đã nhóm họp tại Berlin để đàm phán về tiến trình hòa bình bị đình trệ ở miền Đông Ukraina. Họ cũng thảo luận về vai trò của Nga trong việc giải quyết chiến tranh Syria. 

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thủ đô Đức kể từ khi Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014. Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo 4 quốc gia gặp nhau trong hơn 1 năm qua.

Trước các cuộc hội đàm vào đêm 19-10, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier bày tỏ thất vọng về tiến trình đàm phán chậm trễ để giải quyết khủng hoảng Ukraina.

“Tôi có thể nói với quý vị đàm phán được tổ chức trong những tháng qua diễn ra rất tẻ nhạt, khó khăn và đòi hỏi sự kiên nhẫn vô cùng tận, thậm chí từng bước nhỏ nhặt nhất cũng yêu cầu thảo luận trong thời gian dài”, ông Steinmeier nói với phái đoàn Ukraina tham dự đàm phán ở Berlin.

Tứ hướng bất đồng biểu lộ rõ trên gương mặt của bốn lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraina trong cuộc họp ở Berlin (Ảnh: TASS)

Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, cuộc họp cũng thảo luận biện pháp giải quyết xung đột ở Syria. “Tôi sẽ làm mọi điều để thỏa thuận ngừng bắn này được kéo dài”, ông cho biết.

Thủ tướng Đức Angela Merkel dường như đã bớt kỳ vọng về các cuộc đàm phán hôm 19-10. Bà cho biết, cuộc họp có mục đích “đánh giá trung thực, khách quan nhất tiến trình thực hiện hiệp ước hòa bình Minsk dành cho Ukraina.

“Mọi việc đang bị trì trệ trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như việc ngừng bắn, vấn đề chính trị và cứu trợ nhân đạo. Chúng ta cần phải nắm bắt từng cơ hội, như thế mới có thể hoàn tất tiến trình này. Tôi phải nói rằng, chúng ta không nên kỳ vọng phép màu sẽ đến, nhưng vào thời điểm này, cần phải có mọi nỗ lực có giá trị”, lãnh đạo Đức nhấn mạnh.

Thỏa thuận Minsk được ký kết vào năm 2015 nhờ sự giúp đỡ của Nga, Pháp và nước chủ nhà Belarus, giúp giảm cường độ xung đột giữa lực lượng nổi dậy và quân đội Ukraina ở miền Đông. Tuy nhiên, chiến sự vẫn tiếp tục xảy ra, trong khi các cuộc đàm phán chính trị “giậm chân tại chỗ”.

Vai trò của Nga trong việc giải quyết xung đột Syria cũng được đem ra thảo luận tại cuộc họp. Merkel cho biết, bà cùng Tổng thống Pháp Hollande đề nghị cả Nga và Mỹ “giảm thiểu đau khổ cho thường dân”.

Phạm Trúc
.
.
.