Châu Âu phát hiện Iran đã chế tạo ra tên lửa mang đầu đạn hạt nhân

Thứ Năm, 05/12/2019, 10:55
Các cường quốc châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức khẳng định Iran đã phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, song không nhắc tới khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân của Tehran.


Đại sứ ba nước châu Âu là Anh, Pháp và Đức ngày 4-12 đã gửi thư cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres với thông báo cho rằng Iran đã phát triển mẫu tên lửa đạn đạo có các đặc tính kỹ thuật để mang được đầu đạn hạt nhân, Bloomberg đưa tin.

Tên lửa Shahab-3 của Iran. Ảnh: AP

Các cường quốc châu Âu cho rằng bước đi của Tehran là trái với lời kêu gọi của nghị quyết do Hội đồng Bảo an LHQ thông qua liên quan đến thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5+1 hồi năm 2015.

Theo Bloomberg, bức thư trích dẫn đoạn phim được Iran công bố về vụ phóng thử một biến thể của tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3 hôm 22-4, cho rằng biến thể này có đặc tính về kỹ thuật để mang được đầu đạn hạt nhân.

Bức thư cũng nhắc đến một báo cáo năm 2015 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), trong đó khẳng định Iran từng nghiên cứu việc trang bị đầu đạn hạt nhân cho tên lửa Shahab-3 vào năm 2002-2003 .

Shahab-3 được Iran phát triển từ nền tảng tên lửa đạn đạo Nodong-1 của Triều Tiên trong giai đoạn 1997-2002 và biên chế cho quân đội nước này năm 2003. Mỗi quả đạn đạt tầm bắn 1.000-2.000 km tùy phiên bản.

Các tầng đẩy và đầu đạn của Shahab-3 được thiết kế tách biệt, gây khó khăn cho quá trình đánh chặn của đối phương. Tuy nhiên, mẫu tên lửa được nhận định là độ chính xác thấp khiến nó chỉ phù hợp để tấn công các mục tiêu lớn như thành phố hoặc căn cứ chiến lược.

Theo thỏa thuận hạt nhân 2015, Iran không được phép sở hữu, làm giàu uranium để tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân, song nước này được quyền sở hữu, phát triển tên lửa. Năm 2018, khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và siết chặt cô lập Tehran, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh Iran phải đàm phán lại một thỏa thuận khác nhằm chấm dứt cả chương trình tên lửa đạn đạo.

Iran phản đối ý tưởng này. Các nước châu Âu ban đầu khẳng định sẽ giúp Iran chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng không thành. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng chương trình tên lửa của Iran nên được xử lý như một vấn đề riêng biệt với chương trình hạt nhân của Tehran.

Thiện Minh
.
.
.