Cảnh sát Israel và người Palestine lại đụng độ tại thánh địa Jerusalem

Chủ Nhật, 11/08/2019, 17:20
Reuters đưa tin, cảnh sát Israel đã sử dụng lựu đạn âm thanh để giải tán nhóm người biểu tình Palestine trong một cuộc đối đầu xảy ra ngày 11-8 bên ngoài đền Al-Aqsa tại Jerusalem.

Dịch vụ cứu thương của Palestine xác nhận, có ít nhất 14 người bị Palestine bị thương và đã được đưa đến bệnh viện để điều trị. Đài phát thanh công cộng Kan của Israel cũng cho biết, 4 sĩ quan cảnh sát cũng bị thương trong vụ việc.

Đền Al-Aqsa là nơi linh thiêng thứ ba đối với người theo đạo Hồi. Đây lại là nơi linh thiêng nhất đối với người Do Thái, được người Do Thái tôn sùng và gọi là Núi Đền. Vì vậy, khu vực này cũng là một trong những địa điểm nhạy cảm nhất trong các cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Người biểu tình Palestine và cảnh sát Israel đụng độ. Ảnh: Reuters

Ngày 11-8 là ngày khởi đầu lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo và hàng nghìn người Palestine đã kéo đến ngôi đền Al-Aqsa để cầu nguyện. Tuy nhiên, dịp lễ này lại trùng với lễ Tisha B'av của người Do Thái, vì thế nên rất nhiều người Do Thái cũng tới thăm ngôi đền này.

Sự trùng hợp của các ngày lễ giữa người Hồi giáo và Do Thái được cho là đã dẫn đến căng thẳng và đụng độ tại khu vực này trong những ngày qua khi dịp lễ đến gần.

Vụ việc xuất phát từ căng thẳng do trùng ngày lễ giữa người Hồi giáo và người Do Thái. Ảnh: Reuters

Nhằm hạn chế căng thẳng, cảnh sát đã yêu cầu du khách không theo đạo Hồi, bao gồm người Do Thái không vào đền Al-Aqsa trong ngày 11-8. Mặc dù vậy, các tín đồ Hồi giáo vẫn xuống đường biểu tình do lo ngại sự xuất hiện của người Do Thái.

Các vụ ẩu đả đã xảy ra ngay sau đó, nhóm người biểu tình Palestine đã hô vang các khẩu hiệu "Với tất cả máu và linh hồn, chúng tôi sẽ lấy lại Aqsa". Theo Reuters, đám đông trở nên hỗn loạn và bỏ chạy sau khi những tiếng nổ từ lựu đạn âm thanh của cảnh sát.

Đền Al-Aqsa hay Núi Đền nằm trong quần thể Haram Al-Sharif. Khu vực này thuộc Đông Jerusalem, đã bị Israel chiếm giữ trong cuộc Chiến Trung Đông năm 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ Israel trong một động thái không được sự công nhận của quốc tế.

An Nhiên
.
.
.