Căng thẳng chưa có hồi kết

Thứ Sáu, 15/03/2019, 09:00
Đã 1 tháng trôi qua nhưng dường như căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc hai bên đều sử dụng sức mạnh không quân chống lại nhau báo hiệu tình hình sẽ nhanh chóng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Giới chuyên gia nhận định rằng, đây là một trong số những cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.


Báo động đỏ về hạt nhân

Kể từ sau chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971, đây là cuộc tấn công đầu tiên mà cả hai nước đều sử dụng tới sức mạnh không quân để chống lại nhau. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tiến hành không kích chống lại một quốc gia khác cũng sở hữu loại vũ khí này. 

Điều đáng chú ý là máy bay chiến đấu Mirage 2000 được Lực lượng Không quân Ấn Độ sử dụng trong cuộc tấn công hôm 26-2, nhằm trả đũa vụ đánh bom do Pakistan thực hiện hôm 14-2 tại khu vực Kashmir, cũng chính là loại máy bay dùng để vận chuyển một số vũ khí hạt nhân của Ấn Độ. 

Khi một quốc gia sẵn sàng thực hiện một cuộc tấn công sử dụng những máy bay và bom trị giá hàng chục triệu USD, bao gồm cả những máy bay mang hoặc không mang vũ khí hạt nhân, điều này có thể châm ngòi đẩy căng thẳng dâng cao và nhiều khả năng tình hình sẽ nhanh chóng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. 

Thực tế điều đó đã xảy ra. Pakistan đã đáp trả cuộc không kích của Ấn Độ bằng các cuộc tấn công sử dụng pháo binh và cũng tự tiến hành hai cuộc không kích.

Binh sỹ Ấn Độ tuần tra tại Kashmir. Ảnh: Reuters

Ông Hans Kristensen, làm việc cho Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, ước tính rằng, Ấn Độ đang có khoảng 140 vũ khí hạt nhân, còn Pakistan có khoảng 150. Điều đặc biệt đáng lo ngại là Pakistan ngày càng sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn. 

Theo Kristensen, những vũ khí này là một phần trong nỗ lực “tạo ra sự răn đe toàn diện, vốn được thiết kế không chỉ để phản ứng lại các cuộc tấn công hạt nhân, mà còn nhằm chống lại cuộc xâm lược thông thường của Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan”. Đây là điều cực kỳ đáng lo ngại... 

Các nghiên cứu gần đây ước tính rằng, một cuộc chiến tranh hạt nhân trong khu vực này, ví dụ như giữa Ấn Độ và Pakistan, có thể khiến 2 tỷ người thiệt mạng.

Để ngăn chặn cơn ác mộng này trở thành sự thật, cộng đồng quốc tế phải lên án hơn nữa các hành động vi phạm và tạo ra không gian để hòa giải cuộc xung đột này, trước khi tình hình leo thang vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Còn đối với các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đã đến lúc họ cần thực hiện nghĩa vụ này một cách nghiêm túc. 

Các quốc gia này phải có những bước đi cụ thể nhằm hợp tác với nhau và thổi một luồng gió mới cho cơ chế kiểm soát vũ khí, từng giúp ngăn chặn vũ khí hạt nhân được sử dụng trong suốt 70 năm qua. Một thỏa thuận quốc tế nhằm hạn chế việc triển khai các vũ khí hạt nhân chiến lược sẽ là một khởi đầu tuyệt vời.

Đâu là lý do?

Với sự bùng nổ các vấn đề an ninh giữa những đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân, Mỹ dường như giữ khoảng cách với Pakistan và tiến lại gần hơn trong mối quan hệ với Ấn Độ. Điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ từ bỏ vai trò truyền thống của mình để đứng về một bên - mà theo quan điểm người Pakistan là làm trầm trọng thêm cuộc xung đột? 

Tình hình hiện tại sẽ khiến Mỹ quan ngại nhưng một môi trường địa chính trị thay đổi chắc chắn sẽ kéo người Mỹ xích lại gần Ấn Độ, bất kể các diễn biến của cuộc đụng độ hiện nay. Ấn Độ chứng tỏ sự hữu ích trong các nỗ lực của Mỹ nhằm tiếp tục tăng cường kiềm chế Trung Quốc. 

Ngoài ra, việc Mỹ rút hoàn toàn binh sỹ khỏi Afghanistan cũng có nghĩa là Mỹ sẽ giảm phụ thuộc vào Pakistan hơn trong việc sử dụng các tuyến vận chuyển thiết bị quân sự hỗ trợ chiến tranh, đồng thời mở rộng không gian chính trị để Mỹ gây áp lực lớn hơn đối với các mạng lưới liên kết của Pakistan có các hoạt động chống lại Ấn Độ. 

Về lâu dài, một Ấn Độ được vũ trang hạt nhân không bị Mỹ gây áp lực, giúp Ấn Độ có thể hành động vì lợi ích an ninh trực tiếp của mình và trở nên mạnh mẽ hơn so với trước đây. Tuy nhiên, Ấn Độ có nguy cơ tạo ra những thách thức mới cho chính họ, đặc biệt là khi tạo ra mối quan hệ đối đầu hơn với Pakistan và cản trở những tham vọng toàn cầu của nước này. Nguy cơ của cuộc chiến “Indo-Pak” lâu dài cũng là điềm xấu đối với các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Afghanistan. 

Tại Nam Á, Ấn Độ và Afghanistan vẫn bị lôi kéo vào các mặt đối lập của cuộc xung đột. Lịch sử cho thấy sự can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan mang lại những kết quả tích cực giống như cuộc Chiến tranh Kargil năm 1999. Mặc cho mối quan hệ phức tạp của Pakistan với Mỹ, Ấn Độ có thể sẽ hoan nghênh sự can dự của Mỹ.

Sau khi quân đội Pakistan bắn hạ hai máy bay và bắt giữ một phi công Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi cả hai quốc gia bằng bất cứ giá nào đều phải kiềm chế và tránh leo thang xung đột. 

Tuyên bố này được đưa ra vài ngày sau sự kiện này và mâu thuẫn với Chính phủ Mỹ nhưng dù sao tuyên bố này báo hiệu rằng, Washington một lần nữa sẵn sàng can thiệp. 

Ngoài các cam kết ngoại giao cấp cao, có thể hy vọng rằng ở cấp độ các Đại sứ quán Mỹ ở Delhi, Islamabad và Washington cho thấy các nhà ngoại giao, chiến lược gia quân sự và các nhà phân tích tình báo đang theo dõi sát sao các sự kiện này. 

Mỹ sẽ tìm kiếm những tiếng nói ảnh hưởng khác để hỗ trợ việc đưa hai nước tránh xa bờ vực chiến tranh, cụ thể như Vương quốc Anh, Arabia Saudi và có lẽ cả Trung Quốc.

Mặc dù xung đột hạt nhân vẫn rất khó có khả năng xảy ra nhưng vẫn phải tính đến khả năng các cuộc tấn công của Ấn Độ và sự trả đũa từ phía Pakistan... 

Chừng nào Ấn Độ còn có mối quan hệ chiến lược với Mỹ và duy trì các khả năng quân sự thông thường mạnh mẽ hơn, Pakistan sẽ không thay đổi chính sách sử dụng các chiến binh “ủy nhiệm” để chống lại Ấn Độ. 

Với tuyên bố của Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton rằng Mỹ ủng hộ quyền tự vệ của Ấn Độ, việc sử dụng các chiến binh “ủy nhiệm” của Pakistan có thể làm cho tình hình an ninh khu vực Nam Á phức tạp hơn và càng khó giải quyết.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.