COVID-19 đảo lộn nhịp sống châu Âu như thế nào?
- Mở rộng vòng xét nghiệm COVID-19 với khách nhập cảnh từ châu Âu, Anh, Mỹ
- Tây Ban Nha trở thành ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 châu Âu
- Bóng đá châu Âu đứng trước nguy cơ "tan hoang vì COVID-19"
- Việt Nam tạm dừng miễn thị thực đơn phương với công dân 8 nước châu Âu
Một loạt các quốc gia trên thế giới nói chung và tại châu Âu nói riêng ngày 15/3 đã tiếp tục áp đặt cơ chế đóng cửa biên giới, hạn chế nhập cảnh và cách ly nghiêm ngặt nhằm đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do SARS-CoV-2 đang ngày càng lan rộng, khiến hơn 153.000 người lây nhiễm và hơn 5.800 người tử vong trên toàn cầu.
Reuters trích lời đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, châu Âu hiện đã trở thành trung tâm dịch bệnh COVID-19, sau khi loạt số liệu cho thấy các trường hợp tử vong và lây nhiễm tại lục địa già cao hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới cộng lại, ngoại trừ Trung Quốc - nơi COVID-19 khởi phát hổi tháng 12 năm ngoái.
Dòng người xếp hàng dài dằng dặc bên ngoài siêu thị Anh. Ảnh: Reuters |
Sự lan rộng của COVID-19 đã khiến người dân châu Âu không thể bình tĩnh, The Guardian nhận định. Tại Anh, các chuỗi bán lẻ thực phẩm hôm 15/3 đã lên tiếng kêu gọi người dân ngừng mua sắm trong hoảng loạn, nhấn mạnh rằng việc cố gắng mua quá nhiều đồ dự trữ đồng nghĩa với việc thiếu hụt nguồn sản phẩm cho những người khác.
"Chúng tôi thấu hiểu nỗi lo lắng của các bạn, nhưng mua nhiều hơn những gì cần thiết đôi khi có thể khiến người khác chẳng còn gì để mua cả. Sẽ có đủ tất cả cho mọi người nếu chúng ta cùng hợp tác với nhau", bà Helen Dickinson, giám đốc chuỗi cung ứng BRC kêu gọi.
Mạng xã hội những ngày qua đã đăng tải những hình ảnh các kệ hàng tại nhiều siêu thị lớn Anh rơi vào tình trạng cạn kiệt hàng hóa, đặc biệt là mì khô, giấy vệ sinh và đồ ăn sẵn, với dòng người xếp hàng dài hàng trăm mét bên ngoài siêu thị. Tình trạng này xảy ra vào thời điểm số người tử vong vì COVID-19 tại Anh đã tăng lên 21 người.
Dịch vụ và du lịch héo hon vì COVID-19. Ảnh: Reuters |
Còn tại Pháp, sau khi số ca mắc COVID-19 tăng gấp đôi sau 72h, với 91 người tử vong và gần 4.500 người lây nhiễm, chính phủ nước này quyết định sẽ đóng cửa các cửa hàng, tiệm ăn và cơ sở giải trí kể từ 15/3; khuyến cáo 67 triệu người dân nước này ở nhà để ngăn chặn sự gia tăng nhanh chóng của số ca nhiễm COVID-19. "Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác", Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nói.
Điều tương tự cũng được áp dụng tại Đức, sau khi Thủ tướng nước này Angela Merkel cảnh báo có tới 70% người dân Đức có nguy cơ nhiễm COVID-19. Các trường học cũng được đề nghị đóng cửa để đảm bảo an toàn. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đồng thời yêu cầu những người trở về từ Ý, Thụy Sĩ và Áo phải tự cách ly trong tối đa 2 tuần.
Một con phố vắng lặng tại Pháp vì COVID-19. Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 14/3 (giờ địa phương) cũng đã phê duyệt loạt biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của của virus corona chủng mới ở Liên bang Nga. Theo đó, Nga cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đi qua đường biên giới trên bộ của nước này với Ba Lan và Na Uy.
Tại Italia, tâm dịch COVID-19 của châu Âu, một loạt các biện pháp mới đã được áp dụng nhằm cải thiện kiểm soát sức khỏe trong các nhà máy xí nghiệp, văn phòng và nơi làm việc - những nơi được phép mở cửa trong thời gian đất nước bị phong tỏa. Trong ngày 14/3 nước này ghi nhận thêm 3.497 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại đây lên 21.157 trường hợp.
Từ ngày 16/3, Na Uy sẽ đóng cửa các cảng và sân bay. Trong khi đó, Hy Lạp ban hành lệnh cấm tất cả các chuyến bay đi và đến từ Italia. Czech tiến hành đóng cửa hầu hết cửa hàng và khu mua sắm trong 10 ngày, tính từ 15/3. Nhiều nước đã đóng cửa viện bảo tàng, địa điểm du lịch và hủy các sự kiện thể thao để hạn chế nguy cơ lây lan của SARS-CoV-2, trong đó có bảo tàng Lourve tại Pháp, bảo tàng Leonardo Da Vinci tại Italia.