CHDCND Triều Tiên cảnh báo "chiến tranh" với Hàn Quốc

Chủ Nhật, 10/01/2016, 08:46
CHDCND Triều Tiên ngày 9-1 đã lên tiếng cảnh báo chiến tranh khi Hàn Quốc nối lại chiến dịch tuyên truyền qua biên giới sau gần 5 tháng tạm dừng, trả đũa việc Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư hôm 6-1 vừa qua.

CHDCND Triều Tiên nhấn mạnh, các chương trình tuyên truyền của Seoul tương tự một hành động chiến tranh.

Phát biểu tối 8-1 tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Ki Nam nhấn mạnh, các chương trình phát thanh của Seoul, cùng với việc Mỹ và Hàn Quốc bàn thảo khả năng triển khai các máy bay có thể mang bom hạt nhân, đã đẩy bán đảo Triều Tiên “đến bờ vực chiến tranh”. 

Ông Kim chỉ ra rằng: “Những thế lực thù địch của Triều Tiên đang tỏ ra ganh tỵ sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch”. 

Trước đó cùng ngày, Hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên (KCNA) đã đăng tải bài xã luận mang tiêu đề “Bom khinh khí chính nghĩa là niềm tự hào của Triều Tiên”, trong đó chỉ ra nguyên nhân nước này tiến hành vụ thử hôm 6-1. 

Khoảng 100.000 người dân CHDCND Triều Tiên đã tập trung tại Quảng trường Kim Il Sung hôm 8-1 để mít tinh chào mừng sự kiện nước này thử bom nhiệt hạch thành công. Ảnh: Image China.

Theo KCNA, “trong tình hình trật tự thế giới tuân theo quy luật “mạnh được yếu thua” như hiện nay, mỗi quốc gia muốn gìn giữ chủ quyền và phẩm giá của mình thì buộc phải có vũ khí hạt nhân”. Dẫn lại hai trường hợp Iraq và Libya, KCNA khẳng định “các bài học xương máu của thế kỷ XXI đã được thực tế chứng minh”. 

Theo KCNA, chính quyền Saddam Hussein ở Iraq và Muammar Gaddafi ở Libya “đã khuất phục trước áp lực nhằm thay đổi chế độ của Mỹ và phương Tây, để cho bên ngoài dàn xếp và giải tán hoàn toàn cơ sở phát triển hạt nhân cũng như chủ động từ bỏ vũ khí hạt nhân”, “kết quả là họ phải nhận lấy vận mệnh bi thảm”. 

KCNA kết thúc bài xã luận bằng tuyên bố: “Chừng nào Mỹ còn chưa chấm dứt chính sách thù địch với CHDCND Triều Tiên và hành vi dùng sức mạnh chiếm đoạt chủ quyền của các thế lực chủ nghĩa đế quốc trên thế giới chưa biến mất, thì cho dù trời sập xuống CHDCND Triều Tiên cũng không bao giờ hành động ngu ngốc là từ bỏ phát triển hạt nhân và vũ khí hạt nhân”. 

Trong khi đó, theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, Seoul đã triển khai tên lửa, pháo và các hệ thống vũ khí khác gần biên giới để nhanh chóng đối phó với bất kỳ hành động khiêu khích nào của CHDCND Triều Tiên. 

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không xác nhận báo cáo này và các binh sĩ Hàn Quốc đóng gần 11 địa điểm đặt loa phóng thanh cũng chưa phát hiện bất kỳ chuyển động bất thường nào từ phía quân đội Bình Nhưỡng dọc biên giới. 

Bên cạnh chương trình loa tuyên truyền qua biên giới, Hàn Quốc còn dự định sử dụng các loa di động để phát sóng từ một hòn đảo nhỏ của nước này chỉ cách bờ biển Triều Tiên vài km. 

Bên cạnh đó, từ trưa 9-1, Hàn Quốc đã ngăn các công dân nước này tới thăm Đài Quan sát Dora và các địa điểm du lịch khác gần biên giới với CHDCND Triều Tiên.

Trước quyết định nối lại chiến dịch tuyên truyền bằng loa phóng thanh của Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ngày 9-1 Gen Nakatani bày tỏ lo ngại việc này sẽ làm gia tăng căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Nakatani nêu rõ: “Hiện nay, không khí xung khắc tại giới tuyến giữa hai miền Triều Tiên đang trở nên vô cùng căng thẳng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình trên báo đảo Triều Tiên”. 

Trước đó, trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút tối 8-1, ông Nakatani và người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo đã cùng nhau lên án vụ thử bom H của Bình Nhưỡng, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ để đối phó với vấn đề này. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải sử dụng thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ trong các nỗ lực cùng nhau đối phó với vụ thử của CHDCND Triều Tiên. 

Còn ông Min-koo thì cho rằng, các nỗ lực thống nhất của cộng đồng quốc tế là vô cùng quan trọng. Cũng trong ngày 8-1, tại cuộc hội đàm trong khuôn khổ “2+2” giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nhật Bản và Anh tại thủ Tokyo, hai bên đã “lên án mạnh mẽ” vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và coi đây là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với an ninh và hòa bình thế giới. Hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy việc thông qua một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc  chống Bình Nhưỡng. 

Còn trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh luôn duy trì nguyên tắc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực này, đồng thời giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại. 

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh là kiên quyết phản đối bất kỳ vụ thử hạt nhân nào của Bình Nhưỡng, đồng thời bày tỏ rằng Bắc Kinh sẵn sàng duy trì liên lạc với Seoul để giải quyết tình hình phức tạp trên bán đảo Triều Tiên và đưa vấn đề hạt nhân quay trở lại bàn đàm phán. Hai nước châu Á khác là Campuchia và Pakistan cũng đã có phản ứng trước việc CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân.

Ngày 9-1, 3 ngày sau khi tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H), Đài truyền hình Trung ương CHDCND Triều Tiên đã công bố một cuốn băng video không nêu rõ ngày tháng, trong đó ghi hình ảnh vụ phóng thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới. Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc cho rằng, hình ảnh này chỉ là phiên bản cắt ghép từ vụ phóng thử SLBM lần thứ ba mà CHDCND Triều Tiên tiến hành hồi tháng 12-2015 tại biển Nhật Bản và một vụ phóng tên lửa đạn đạo năm 2014. (Kim Linh)
Khoảng 100.000 người dân CHDCND Triều Tiên đã tập trung tại Quảng trường Kim Il Sung hôm 8-1 để mít tinh chào mừng sự kiện nước này thử bom nhiệt hạch thành công. Ảnh: Image China.
Khổng Hà
.
.
.